Việc chuyển dịch từ hạ tầng truyền thống sang các hạ tầng số nhằm tìm kiếm doanh thu là điều đương nhiên đối với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên đây là quá trình chuyển đổi đầy khó khăn và thử thách.
Sự thay đổi của thị trường truyền thông
Thị trường truyền thông Việt Nam trong những năm qua tiếp tục biến đổi mạnh mẽ trong bối cảnh thay đổi chung của truyền thông toàn cầu. Tỉ lệ người dùng internet không ngừng tăng nhanh qua từng năm. Hạ tầng, dịch vụ viễn thông ngày càng phát triển, phổ biến (cáp quang đến nhà, mạng di động 4G với tốc độ kết nối internet cao). Các hạ tầng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng internet xem video trên mạng. 90% băng thông CDN (mạng lưới phân phối nội dung) hiện phục vụ cho việc xem video trực tuyến từ các nguồn như Youtube, Facebook, Tiktok… Sự thay đổi thói quen xem nội dung video từ các hạ tầng truyền thống sang hạ tầng internet tạo nên tập khách hàng online khổng lồ đối với các nhãn hàng. Điều này đã dẫn đến sự dịch chuyển về thị phần quảng cáo truyền thông. Nếu năm 2015 thị phần quảng cáo online chỉ chiếm 15% thị trường thì đến năm 2019, con số ước tính đã lên đến 55% doanh số quảng cáo tại Việt Nam.
Dịch chuyển sang hạ tầng số liệu có dễ dàng?
Trong bối cảnh như vậy, việc chuyển dịch sang các hạ tầng số nhằm tìm kiếm doanh thu là điều đương nhiên đối với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên đây là quá trình chuyển đổi đầy khó khăn và thử thách. Theo số liệu của WeAreSocial và Hootsuite vào tháng 1 năm 2020 có đến trên 80% người dùng internet Việt Nam có sử dụng Youtube, Facebook. Không khó để các cơ quan báo chí hiện diện trên hai mạng xã hội này thông qua việc tạo tài khoản, lập kênh và đưa nội dung của mình lên mạng. Tuy nhiên để thu hút người xem thì các cơ quan báo chí truyền thống phải cạnh tranh với hàng tỉ nội dung khác trên toàn thế giới.
Về nội dung, một số suy nghĩ, tư duy theo kiểu báo chí truyền thống buộc phải thay đổi để phù hợp với môi trường mạng, khán giả mạng. Điều này đòi hỏi đội ngũ sản xuất nội dung cho mạng xã hội phải nắm vững công nghệ, liên tục cập nhật, hiểu được giới trẻ và nắm bắt được xu thế. Nếu như đối với các doanh nghiệp bên ngoài, việc tìm kiếm nhân sự phù hợp để sản xuất nội dung trên mạng tương đối dễ dàng thì các cơ quan nhà nước lại rất khó khăn.
Mặt khác ngoài lợi ích quảng bá và làm thương hiệu, đối với một đài truyền hình việc tìm kiếm doanh thu từ các mạng xã hội nước ngoài để bù đắp phần nào chi phí sản xuất là một bài toán hóc búa. Phần lớn các nội dung chính thống do các cơ quan báo đài sản xuất đều khó có lượt xem cao do không phải là các đề tài giật gân, câu khách vốn nhan nhản trên các mạng xã hội. Nếu có chương trình hay thu hút được người xem thì số tiền quảng cáo thu được của một video clip trên 100.000 lượt xem chỉ vào khoảng 2 triệu đồng. Con số rất khó để đảm bảo thu đủ bù chi.

Sự phụ thuộc vào hạ tầng phân phối nội dung nước ngoài
Ngoài ra việc phụ thuộc vào hạ tầng của các “ông lớn” về công nghệ như Facebook, Google để kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách, quy định của họ. Công ty POPS, một đối tác MCN (mạng quản lý đa kênh) của Youtube tại Việt Nam, từng đầu tư rất nhiều vào nội dung thiếu nhi và mong muốn phát triển mảng nội dung này trên Youtube để tìm kiếm doanh thu.
Tháng 6/2019 trước phản ứng của các nhãn hàng toàn cầu về những nội dung không phù hợp với trẻ em trên Youtube, Google đã quyết định thanh lọc các nội dung liên quan trẻ em, hạn chế quảng cáo trên các nội dung này. Điều này dẫn đến việc hàng loạt chương trình, các phim hoạt hình mà Pops Kids đã đầu tư không còn có thể mang lại lợi nhuận như mong muốn. Như vậy rõ ràng bước vào môi trường nội dung số là xu hướng tất yếu thế nhưng con đường đi như thế nào thì rất khó khăn và mơ hồ bởi tác động sâu rộng của bốn tập đoàn công nghệ toàn cầu là Google, Apple, Facebook và Amazon.
Cẩn trọng khi thay đổi là điều cần thiết
Bài học dịch chuyển sang hạ tầng số của các đài truyền hình ở nước ngoài, cho thấy sự thận trọng khi đầu tư vào việc phát triển dịch vụ nội dung số là cần thiết. Bởi lẽ nếu không triển khai cẩn thận, các khoản đầu tư sẽ như bỏ sông bỏ biển và đài truyền hình sẽ đánh mất luôn các nguồn lực để phát triển thậm chí dẫn đến phá sản.
Trong 5 năm qua, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư phát triển dịch vụ các nội dung số của mình. Vừa đầu tư phát triển nhưng HTV vẫn cố gắng duy trì sự ổn định trong mô hình hoạt động và kinh doanh của mình. HTV sẽ chuẩn bị thật kỹ càng về các nguồn lực (nhân lực, tài chính, kỹ thuật) để xây dựng được chiến lược chuỗi sản phẩm, không chỉ bán quảng cáo trên truyền hình mà còn bán quảng cáo, tài trợ trên hạ tầng online. Từ đó tìm kiếm được lợi nhuận, xây được mô hình hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.
Tác giả:
NGUYỄN HẢI TRIỀU
Phó Giám đốc
Trung tâm Dịch vụ Truyền hình
Đài Truyền hình TP.HCM
|