Mạng xã hội và mối quan hệ với người xem

Trong quá khứ, truyền hình, phát thanh và báo chí là nguồn chính để chúng ta cập nhật những thông tin hàng ngày. Ngày nay, với sự phát triển của kỹ thuật số, có rất nhiều cách để tiếp cận thông tin, mạng xã hội là một ví dụ.

Xem ở đâu và xem bao lâu?

Vào những năm gần đây, mạng xã hội đã trở thành nguồn thông tin chính trên mạng internet. Hiện nay, có đến hơn 2,4 tỉ người dùng mạng. Trong đó có đến 64,5% số người xem các tin tức và thông tin từ Facebook, Twitter, Youtube, Instagram... thay vì xem qua truyền hình hay báo đài như trước. Khoảng 50% số người được hỏi nói rằng họ biết thông tin mới nhất là từ mạng xã hội. Nhiều người đã xem những tin giật gân từ mạng xã hội trước rồi sau đó mới tìm đến các trang tin chính thống hay truyền hình để biết thêm chi tiết. Thông thường, khi xem tin trên mạng xã hội, người ta chỉ xem tựa đề hay lướt qua chứ không đọc kỹ. Thời gian trung bình để xem một tin là 15 giây và xem một đoạn phim video clip là 10 giây.

Ai kiểm soát ai?

Không chỉ cung cấp nội dung, mạng xã hội còn kiểm soát những gì chúng ta xem. Những người bạn trên mạng xã hội đóng vai trò là những chủ bút - người quyết định cho mọi người xem cái gì. Một bài viết hay một câu chuyện đã được yêu thích (like) và chia sẻ (share) rất nhiều lần trước khi đến với chúng ta. Vì vậy, mạng xã hội cùng với những người bạn của mình đã chọn lọc các thông tin cho chính bạn. Có rất nhiều tin bịa đặt trên các trang web và mạng để câu “like” với tựa đề hấp dẫn, giật gân và những câu chuyện ly kỳ. Những thông tin không đúng sự thật này, trớ trêu thay, lại được “like” và “share” nhiều nhất vì đặc điểm chỉ đọc tựa đề hay chỉ đọc lướt qua nội dung, bỏ các chi tiết của người xem. Chính điều này làm cho những thông tin bịa đặt được lan truyền và phổ biến hơn là những thông tin chính thống.

Xử lý dữ liệu cá nhân

Các thông tin trên mạng xã hội cũng góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển. Những dữ liệu của khách hàng được thu thập từ mạng xã hội bao gồm: thông tin cá nhân, lịch sử mua hàng, loại hàng ưa thích, sự hài lòng, khách có sử dụng món hàng thường xuyên không và cách mua hàng của khách là gì (mua qua mạng hay tại cửa hàng). Đối với truyền hình đó chính là thói quen của người xem. Họ ở độ tuổi nào, thích xem chương trình gì, xem qua TV hay điện thoại thông minh. Họ có xem chương trình này thường xuyên không và có hay xem lại không, họ yêu thích nhà cung cấp nào... 

Sau đó, trí thông minh minh nhân tạo (AI) được ứng dụng để phân tích khối lượng lớn dữ liệu này. Các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu này nhằm hiểu thêm về nhu cầu và sở thích của khách hàng để đáp ứng và phục vụ tốt hơn. Bên cạnh đó, nó cũng giúp các doanh nghiệp điều chỉnh đường lối kinh doanh và vạch ra hướng đi trong tương lai để phát triển mạnh hơn. Các đài truyền hình cũng sử dụng dữ liệu này để biết khách hàng thích xem chương trình gì và đáp ứng đúng sở thích đó.

Mặc dù mạng xã hội có ưu điểm là tin tức được cập nhật nhanh hơn nhưng nó vẫn không thể thay thế hoàn toàn nguồn tin chính thống như truyền hình, phát thanh và báo chí vì thông tin trên mạng xã hội thiếu tính xác thực và bị chọn lọc bởi những người trên mang. Truyền thông và mạng xã hội nên kết hợp với nhau chặt chẽ để có thể mang lại cho người đọc những thông tin chính xác nhất và nhanh nhất có thể.

 
Tác giả:
NGUYỄN MẠNH KHÔI
Kỹ sư cao cấp chuyên ngành Viễn thông
Công ty Ericsson (Canada)