Cách mạng công nghiệp là gì?
Bốn giai đoạn cách mạng công nghiệp diễn ra từ thế kỷ 18 đến hiện nay, bao gồm: Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên vào thế kỷ 18 với sự phát triển của năng lượng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Thế kỷ 19 và 20, đánh dấu bước tiến của sự phát triển công nghiệp lần thứ 2 trong việc ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 vào cuối thể kỷ 20, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin trong việc tự động hóa sản xuất. Cách mạng công nghệ lần thứ tư (hay còn gọi là công nghiệp 4.0) của kỷ nguyên này, trên cơ sở kế thừa những thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp trước, được hình thành trên nền tảng những công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligent), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (internet of things), điện toán đám mây (cloud), chuỗi khối (blockchain), v.v.
Chuyển đổi số là gì?
Số hóa (digitization) là một trong những quá trình của chuyển đổi số, nhằm chuyển đổi thông tin thành định dạng kỹ thuật số được tổ chức bằng đơn vị bit, như hình ảnh, âm thanh, tài liệu v.v. Ngoài ra, số hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý, lưu trữ và truyền dữ liệu, có thể dễ dàng chia sẽ và truy cập hơn, cũng như được truyền đi vô thời hạn và không bị mất mát theo thời gian khi sao chép dữ liệu miễn là dữ liệu được chuyển sang các định dạng mới, ổn định. Ví dụ: ứng dụng kỹ thuật quét ảnh hoặc chuyển đổi báo cáo giấy thành tập tin PDF, dữ liệu không bị thay đổi và được mã hóa theo định dạng kỹ thuật số hoặc thay đổi hình thức gửi thư hay tài liệu, giấy tờ qua đường bưu điện sang hình thức bằng fax dưới dạng tín hiệu số.
Ứng dụng số hóa (digitalization) là những quy trình tổ chức hay quy trình kinh doanh chịu sự ảnh hưởng bởi công nghệ nhằm nâng cao hiệu suất công việc và giảm bớt những thao tác không cần thiết trong công việc hàng ngày. Chẳng hạn, ở ngành công nghiệp liên quan sản xuất, việc số hóa cho phép ứng dụng các quy trình sản xuất liên quan internet vạn vật, giao tiếp giữa máy với máy, trí tuệ nhân tạo, và thị giác máy tính. Hơn nữa, việc số hóa giúp tạo ra nhiều mô hình tổ chức và kinh doanh mới, có thể kể đến như: Chính phủ điện tử, giáo dục trực tuyến (e-learning), thanh toán điện tử (electronic payment), những quy trình công việc tự động hóa và không giấy tờ tại văn phòng, v.v.; sử dụng các công nghệ nhận dạng điện tử (electronic identification), chuỗi khối, hợp đồng thông minh (smart contract) và đồng tiền số (cryptocurrencies), dữ liệu lớn v.v.
Đối với truyền thông quảng cáo, một trong những ứng dụng số hóa dành cho công nghệ quảng cáo đó chính là nền tảng quảng cáo có lập trình (programmatic advertising platform), nền tảng này có thể giúp tối ưu hóa quảng cáo cho một sản phẩm nhất định, cũng như thực hiện đánh giá, quản lý các chiến dịch quảng cáo theo thời gian thực. Các công ty lớn trên thế giới như Facebook và Google, đã đi đầu trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ phát triển dựa trên dữ liệu nhằm phân tích dự báo, quảng cáo theo chương trình, cá nhân hóa theo nội dung, quảng cáo đúng người đúng thời điểm, v.v. Hay như giải pháp truyền hình OTT (over the top) của các đơn vị Đài truyền hình, hoặc công ty truyền thông cung cấp nội dung cho người sử dụng trên nền tảng internet, đặc biệt là việc cung cấp nội dung truyền hình và truyền hình theo yêu cầu (video on demand), cũng như các tiện ích khác qua giao thức internet đến người dùng cuối cùng.
Như vậy, qua việc phân tích số hóa và ứng dụng số hóa, có thể nói chuyển đổi số (digital transformation) là thuật ngữ mới được ra đời trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, mô tả việc ứng dụng công nghệ số dựa trên các nền tảng công nghệ như: Phân tích dữ liệu (data analytics), điện toán đám mây, di động, và truyền thông xã hội (social media), v.v, nhằm cải thiện và nâng cao hiệu suất doanh nghiệp, tăng trải nghiệm và tạo giá trị cho khách hàng. Chẳng hạn như việc chuyển đổi số liên quan công nghệ điện toán đám mây, đã làm giảm sự phụ thuộc vào phần cứng do người sử dụng sở hữu tăng sự phụ thuộc vào việc sử dụng dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây, điển hình như: Microsoft Office so với Office365, và Google Docs.

Truyền hình OTT - xu hướng của thời đại mới
Thách thức và cơ hội khi chuyển đổi số
Đối với khách hàng
Việc chuyển đổi số giúp khách hàng có được sự minh bạch và thông tin rõ ràng hơn, cũng như chi phí thấp cho khách hàng từ sản phẩm, dịch vụ. Nhưng cũng xảy ra rủi ro, việc tìm kiếm thông tin, dẫn đến sự quá tải hoạt động của sản phẩm hoặc dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền riêng tư của khách hàng. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp tăng lòng trung thành của khách hàng, phát triển thị trường, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cũng đối mặt với nhiều yêu cầu mới của khách hàng và các đối thủ cạnh tranh mới.
Đối với các công ty và doanh nghiệp
Việc chuyển đổi số giúp mang lại hiệu quả cao hơn cho chuỗi giá trị hiện tại, cũng như tạo ra các giá trị mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức với việc thay đổi quy trình công nghệ, nghiên cứu và sản xuất từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi, cũng như chi phí đầu tư lớn và khung pháp lý phù hợp cho việc sử dụng, khai thác dữ liệu.
Đối với cá nhân
Cần phải thích ứng với việc thay đổi phương pháp làm việc mới, tránh theo lối mòn theo cách làm việc truyền thống, đơn giản, lặp đi lặp lại bao gồm các kỹ năng khác, cũng như tránh tâm lý phản kháng và sợ hãi, nâng cao tư duy kỹ thuật số và sự đồng thuận giữa các bộ phận, vị trí trong công việc.
Đối với xã hội, việc chuyển đổi số sẽ giúp các quy trình và dịch vụ hành chính công hoạt động tốt hơn.
Tác giả:
TRẦN VĂN HẢI TRIỀU
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ
Khoa Quản lý và Kinh tế
Đại học Tomas Bata, Cộng hòa Séc
|