Số hóa truyền thông: Cơ hội và thách thức

Kỷ nguyên số đã trải qua một chặng đường khá dài trên mọi lĩnh vực của khoa học và công nghệ. Bài viết này chỉ đề cập vào các lĩnh vực số liên quan đến truyền thông, báo chí, mạng xã hội.

Có những cơ hội mở ra cho mọi nền tảng mới, cho việc làm chủ của các nhà cung cấp dịch vụ và cả những cá nhân biết nắm bắt xu hướng.

Khi các nền tảng số (Platform) được phát triển trên nhiều phương tiện cộng với sự mở rộng băng thông số tốc độ cao thế thệ 4G, 5G lên đến 10 gigabit/s, người dùng đã bắt đầu thay đổi các thói quen để tận dụng sự tiện lợi mới. Các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu phát triển công nghệ nền tảng, thay đổi cách thể hiện nội dung để có thể đáp ứng nhu cầu của người xem tốt nhất và giành lấy thị phần mới mẻ cho riêng mình. 

Một số nhà truyền thông không theo kịp sự chuyển đổi này, quá trình số hóa ở nhiều nước trên thế giới còn diễn ra chậm chạp. Các thách thức về số hóa, chuyển đổi phương thức truyền dẫn, xóa bỏ truyền hình analog vẫn chưa kịp giải quyết xong thì các thách thức mới lại đến. 

Nhưng thách thức cũng chính là cơ hội. Đó là Dữ liệu lớn (Big data), Đổi mới phương thức số hóa (Digital Innovation) và các nguy cơ từ tấn công mạng (Cybercrime Challenges), Bản quyền số, bản quyền trên mạng xã hội. Vì thách thức lớn nên nhiều cơ quan truyền thông với cách thức hoạt động cũ hoặc độc quyền nội dung, hạ tầng và khán giả đã không thể đứng vững hoặc phải hoạt động cầm chừng, thua lỗ. 

Hiện nay mỗi người dùng cũng là một nhà sáng tạo nội dung. Vì vậy, các nền tảng cũng phát triển theo khuynh hướng mở. Các nội dung số trên truyền thông xã hội tạo ra một không gian dữ liệu lớn chưa từng có dẫn đến hai hướng đi chính cho các nhà cung cấp. Một là chỉ phát triển riêng nền tảng trên đó có thuật toán và công cụ cho người dùng (Facebook, Youtube, Google…). Hai là họ chỉ phát triển kho nội dung hoặc mua bản quyền từ các hãng truyền thông (AP, RTV, CNN…) như Netflix. Tuy nhiên, hướng đi thứ nhất tạo ra một lực lượng hùng hậu là các nhà sản xuất nội dung. Họ chính là người dùng. Không có gì dễ dàng hơn để tạo cho mình một video, một đoạn phim, hoặc một nội dung, một trang báo, một kênh trên Youtube… Nhiều kênh của các đài lớn cũng phải ganh tỵ nếu so sánh về lượt xem, theo dõi của những người này. 

Tác giả tại NAB Show (một trong số những triển lãm thiết bị phát thanh và truyền hình nổi tiếng nhất nước Mỹ)

Những xu hướng mới

Đổi mới hạ tầng

Phải thay thế hệ thống, hạ tầng kỹ thuật cồng kềnh vừa tốn kém vừa chậm chạp. Một sự kiện đang diễn ra ngày nay có nhiều cách tiếp cận trên các kênh truyền thông xã hội. Khán giả không còn thói quen chờ đến giờ xem một bản tin dài và không cùng với thời gian thực (real time). Bên cạnh đó, hạ tầng này sẽ không tương tác cũng như tận dụng ưu thế của việc phát triển thông tin người dùng. Cần thiết phải thay đổi một hạ tầng tinh gọn, mang tính tương tác cao. Các tin tức có thể trực tiếp từ nhiều nguồn, từ nhiều nơi khác nhau như một cầu truyền hình cổ điển mà hoàn toàn chỉ dựa trên các nền tảng sẵn có với việc live stream trên các ứng dụng hoặc phần mềm như Sling TV, Vmix… Mọi việc dường như quá dễ dàng cho cả 2 phía người dùng và nhà cung cấp nội dung số.

Phát triển trí tuệ nhân tạo

Nên phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực nội dung số. AI hỗ trợ đắc lực cho các dịch vụ tiếp thị nội dung. AI sử dụng các thuật toán thông minh để cộng hưởng với nội dung tìm kiếm của người dùng, đưa ra những gợi ý về chương trình họ muốn xem, muốn mua cũng như các quảng cáo về du lịch, thời trang… Bạn cứ thử tìm hay xem một các gì đó trên Facebook, Google, hay Youtube thì sau đó các gợi ý sẽ lập tức được đưa ra như nhu cầu của bạn. Các công cụ như BuzzSumo giúp bạn nắm bắt và chiến thắng trong việc tìm một nội dung mang tính thương mại. Chiến lược “Tiếp thị nội dung” giúp tìm kiếm, theo dõi, tạo bộ lọc và phân tích tác động của nội dung do người dùng tạo và chia sẻ. 

Như vậy trong cuộc chơi này không có chỗ cho truyền hình, nội dung độc quyền theo kiểu truyền thống. Không còn kiểu cho - nhận, nghĩa là cứ tự chọn chương trình rồi bắt khán giả xem. Nếu vẫn theo cách đó thì sẽ không còn bao nhiêu khán giả. Cần thiết phải thay đổi các thức tìm chủ đề, các tin bài. Áp dụng các công cụ này vào “Tiếp thị nội dung”. Hãy thử vào http://ai-writer.com và gõ một chủ đề, bạn sẽ thấy hệ thống mất khoảng 3 phút để cho ra một bài viết,  một nghiên cứu rất sâu sắc và chất lượng. 

Các ứng dụng dựa trên nền tảng này đang phát triển và là một đối thủ không cân sức cho các nền tảng truyền thống. Ngoài ra trong truyền hình, có thể phát triển báo chí người máy (Robot Journalism), tự động viết kịch bản (Auto Script), vẽ đồ họa (Auto Graphic), đưa tin (Auto News). Báo chí người máy cũng đang được sử dụng để kiểm tra các nội dung và xu hướng tìm kiếm trên không gian mạng và tạo ra các bài viết tự động. Washington Post đã phát triển Bandito, cung cấp các thử nghiệm theo xu hướng thời gian thực và nhiều hãng truyền thông cũng đang chạy đua để nghiên cứu lĩnh vực này. 

Thực tế ảo (VR) có là xu hướng?

Trong mảng truyền hình thì tin tức, giải trí, chương trình du lịch…có thể phát triển công nghệ VR vì tính tương tác cao nhất của người xem được đặt vào vị trí trung tâm trải nghiệm, hình thành một kết nối toàn diện với câu chuyện. Tôi đã có dịp trải nghiệm công nghệ này tại NAB Show - Lasvegas trong một lần tham gia, công nghệ thực tế ảo nhưng lại mang cảm giác thật. Bạn sẽ thấy mình đứng giữa một sân khấu với ca sĩ và dàn nhạc xung quanh, khán giả la ó, vỗ tay phía dưới. Bạn cũng có thể như đang ở sa mạc trong các chương trình thế giới động vật hay trong một trận bóng với vai trò như là ngườit trên sân. Quá thú vị đi chứ! Ứng dụng VR của New York Times, báo chí thực tế ảo (Virtual reality journalism) là một ví dụ điển hình về VR và sự ra mắt của nó đi kèm với việc gửi hàng triệu người xem đăng ký. Qua ứng dụng này VR xây dựng tương tác kết nối và đồng cảm sâu sắc hơn với các câu chuyện tin tức.

Ngày nay cơ hội làm truyền thông trong thời đại số đã mở ra một kỷ nguyên mới, một cơ hội và sân chơi chung mà trong đó mỗi người đều có thể làm chủ cuộc chơi của mình. Tuy nhiên, để có thể tồn tại và phát triển thì cần phải hiểu rõ và thích nghi kịp thời.

Tú Phạm - Chuyên gia Truyền thông Xã hội