ONE Championship

Nữ vương hai thể thức đối kháng Stamp Fairtex đã đến với võ thuật như thế nào?

Hành trình đến với sàn đấu của Stamp Fairtex không hề dễ dàng – mấy ai biết trước khi trở thành nữ vương ONE Championship ở hai thể thức Muay và Kickboxing, cô đã phải bắt lấy từng cơ hội nhỏ nhất để đấu tranh với sự áp đặt từ gia đình và định kiến xã hội



Từ thời điểm xuất hiện trên sàn đấu ONE Super Series đến khoảnh khắc trở thành nhà vô địch đồng thời hai thể thức đầu tiên trong lịch sử ONE Championship, Stamp Fairtex trở thành niềm cảm hứng bất tận cho phái nữ của làng võ – những con người luôn phải đứng trước sự ngờ vực từ gia đình và định kiến xã hội nặng nề hơn phái nam rất nhiều khi muốn theo đuổi đam mê. 

Để đến với võ thuật, nữ vương ONE Championship từng phải bắt lấy từng cơ hội nhỏ nhất để đấu tranh, và bằng sự nỗ lực cùng một chút may mắn, Stamp đã làm nên điều kỳ diệu. 

Stamp Fairtex sinh ra và lớn lên ở xứ biển Rayong, Thái Lan, trong một gia đình của những người đam mê Muay Thái. Cũng dễ hiểu khi mà cơ duyên gắn kết Stamp với Muay Thái đến từ khi cô còn rất nhỏ. Nhờ chú và cha cô, những con người si mê Muay Thái bằng cả trái tim, Stamp bắt đầu tập luyện tại phòng gym tự mở của họ khi cô mới 5 tuổi. Kể lại rằng mình từng là mục tiêu trêu ghẹo của lũ con trai trong xóm, Stamp cho biết cô thường trở về nhà với những vết bầm tím do đánh lộn. 

“Có vậy cha mới đồng ý cho tôi cùng học đấm đá với ông”, Stamp vui vẻ nói. 

Dù phòng tập lúc ấy đơn sơ vô cùng, thậm chí còn không có một cái đài thi đấu hoàn chỉnh; cô bé Nong Stamp nhỏ loắt choắt rất nhanh thể hiện được tài năng Muay Thái thiên bẩm. Stamp sở hữu rất nhiều bức ảnh kỷ niệm những chiến thắng tại các buổi hội chợ, lễ hội địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm từ khi bắt đầu thượng đài, Stamp đã bị gia đình ép phải dừng thi đấu để tập trung vào việc học hành. 

“Tôi hầu như không thể tìm thấy đối thủ đồng lứa. Nếu muốn đấu, tôi luôn phải đấu chấp cân với những chị lớn tuổi hơn, nặng cân hơn. Gia đình tôi không thích điều này”, Stamp giải thích.  

“Ngoài ra, tôi còn là một cô gái. Cha mẹ không nhìn thấy tương lai nào ở đấu trường Muay Thái chuyên nghiệp cho tôi. Cũng khó trách khi họ quyết định như vậy”. 

“Thời điểm đó, có không ít cơ hội để phụ nữ chứng minh bản thân trong môn thể thao này - chúng tôi cũng được phép thượng đài ở các sân vận động lớn tại Bangkok không khác gì các đấng nam nhi. Nhưng tư tưởng kỳ thị giới tính, cho rằng võ vẽ là chuyện của nam giới vẫn còn rất phổ biến. Cha mẹ vẫn nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu tôi tập trung vào việc học như những cô gái khác”. 



Tuy nhiên, những năm tháng thượng đài từ thời thơ ấu vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim Stamp Fairtex. Cô chưa bao giờ từ bỏ ước muốn trở lại sàn Muay Thái, không phải với tư cách một khán giả, mà với tư cách một chiến binh.  

Vài năm sau, vừa bước sang tuổi 17, Stamp nhận được một lời mời khá bất ngờ từ người trưởng làng nơi cô sinh sống. 

“Tôi đã bỏ Muay Thái trong một thời gian rất dài. Ở trường cấp ba, tôi tăng cân và nhìn khá mũm mĩm. Khi tôi nói với bạn bè rằng tôi từng thượng đài Muay Thái, chẳng ai tin nổi”, cô gái 21 tuổi thừa nhận. 

“Người đã cho tôi cơ hội trở lại với Muay Thái là trưởng làng. Thời điểm đó, ông cần tổ chức một lễ hội lớn với những màn trình diễn Muay Thái. Ông ấy đã nhớ đến tôi và nhờ tôi lên sàn đấu”. 

“Cha khuyên tôi đừng đánh, vì tôi đã tăng cân, mất dáng võ sĩ rồi. Nhưng cũng may, tôi vẫn có sự ủng hộ của mẹ”. 

Không ở trạng thái tốt nhất trong lần đầu tiên trở lại sàn đấu, Stamp Fairtex chiến thắng đối thủ chủ yếu bằng kinh nghiệm. Sự bất mãn với chính bản thân châm lên ngọn lửa cạnh tranh trong lòng Stamp, khiến cô quyết định đi tiếp hành trình Muay Thái của mình.



“Tôi đã chuẩn bị cho trận đấu ấy trong khoảng một tháng, nhưng mọi chuyện khác nhiều so với ngày xưa. Tôi cảm thấy đuối sức kinh khủng. Ngay cả khi lên đài với tâm thế tràn đầy hưng phấn, tôi vẫn rất mệt mỏi”, Stamp chia sẻ. 

“Cũng may, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn đối thủ. Nhưng thắng bằng kinh nghiệm nó không “đã”, không thoải mái. Tôi đáng lẽ có thể áp đảo hoàn toàn đối thủ của tôi kia mà! Vì thế, tôi muốn tiếp tục với Muay Thái, với những gì mà tôi đã bỏ lỡ trong suốt những năm qua”. 

Với tài năng thiên bẩm và sự nỗ lực, hy sinh không ngừng nghỉ, không mất nhiều thời gian để Stamp Fairtex lấy lại phong độ.  

Rất nhanh, cô gái nhỏ nhắn trở lại với vai trò tâm điểm trong các sự kiện võ thuật địa phương. Stamp đến với lò Muay Thái Fairtex, tập cùng những huyền thoại như Yodsanklai và Saemapetch Fairtex, và trước cả khi cô kịp nhận ra, Stamp đã thượng đài thi đấu hơn 80 lần với vô số danh hiệu khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.  

Sau khi chiến thắng đối thủ đến từ Hoa Kỳ Janet Todd, Stamp trở thành võ sĩ ONE Championship đầu tiên giữ đai vô địch thế giới tại hai thể thức khác nhau. Với tư cách là một võ sĩ chuyên nghiệp, Stamp Fairtex vẫn còn rất trẻ, và chắc chắn cô còn cả một sự nghiệp huy hoàng phía trước.  

“Những người phụ nữ hoàn toàn có thể chứng minh được bản lĩnh của mình trên đấu trường Muay Thái. Chăm chỉ và kiên nhẫn khi luyện tập là điều kiện tiên quyết, và rồi cơ hội cũng sẽ đến với bạn thôi”, Stamp Fairtex khẳng định. 

Thanh Anh