AIPA 41: Thúc đẩy vai trò Nghị sĩ nữ nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ

Trong khuôn khổ Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41), chiều 8/9 đã diễn ra Hội nghị nữ Nghị sĩ AIPA (WAIPA) theo hình thức trực tuyến.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA -41, chiều 8/9 theo giờ Hà Nội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh, Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA -41 với chủ đề “Vai trò của nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động” diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 42 nữ đại biểu đại diện cho nghị viện các nước thành viên AIPA và Ban Thư ký AIPA.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA -41 Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA -41 với chủ đề “Vai trò của nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động” diễn ra theo hình thức trực tuyến

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng nêu rõ, thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm, là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực. Chương trình phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, đạt được viêc làm đầy đủ và năng suất và công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới, .... và trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị”. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm 2020 và những năm trước đây, những số liệu mới cập nhật của ILO cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ. Do đó, việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cũng cho biết, với nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Năm 2019, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động và một số luật liên quan để những quy định về lao động - việc làm đối với lao động nữ tập trung vào việc đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng khẳng định trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới được thực hiện thực chất và “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Cho rằng, với Nghị quyết “Thúc đẩy vai trò của nữ Nghị sỹ nhằm bảo đảm việc làm bền vững và thu nhập cho lao động nữ” dự kiến được xem xét và thông qua tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ tin tưởng các Nghị viện thành viên sẽ góp phần thúc đẩy việc hiện thực hóa các cam kết toàn cầu và khu vực cũng như khuôn khổ pháp luật quốc gia trong lĩnh vực này. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cũng tin tưởng với sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực, trách nhiệm của các đại biểu, Hội nghị nữ Nghị sỹ sẽ thành công tốt đẹp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kinh nghiệm của các Nghị viện thành viên và vai trò của nữ Nghị sỹ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận việc làm và thu nhập; đề xuất cơ chế hợp tác nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để thúc đẩy việc làm và thu nhập của lao động nữ, nhất là trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 toàn cầu. 

Qua thảo luận các đại biểu đều khẳng định vai trò của Nghị viện và các nữ Nghị sỹ trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm quyền cho phụ nữ và trẻ em, nhất là bảo đảm việc làm bền vững và thu nhập; nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, các nghị viện cần phát huy vai trò của mình thông qua việc ban hành các luật, các quy định để bảo đảm bình đẳng giới trong việc làm, thu nhập.

Các đại biểu đều khẳng định Nghị viện các nước thành viên AIPA cam kết thúc đẩy bình đẳng giới, nỗ lực thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Cương lĩnh và Tuyên bố hành động Bắc Kinh cũng như các mục tiêu phát triển bền vững. Các đại biểu cũng cho rằng, các nữ nghị sĩ AIPA cần chủ động, tích cực hơn, đi đầu trong việc đề xuất và thực hiện các biện pháp để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại diện cho Đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại Hội nghị nữ nghị sĩ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa cho biết, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đây là cơ sở pháp lý cho việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án luật, trong đó có lĩnh vực việc làm và thu nhập. Những dự án luật có liên quan đến lĩnh vực này như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… đều được xây dựng bảo đảm những nguyên tắc về bình đẳng giới. Trong việc tổ chức thực hiện, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhưng vẫn còn sự chênh lệch giữa nam giới và nữ giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và thu nhập bình đẳng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa cũng cho hay, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường lao động, đến người lao động trong đó có lao động nữ. Để ứng phó với đại dịch Covid-19, các nữ đại biểu Quốc hội và Nhóm nữ đại biểu Quốc hội đã tham gia quá trình xem xét và thông qua gói hỗ trợ tài chính cho người dân bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đảm bảo thu nhập cho người lao động và hộ gia đình; Phát huy vai trò là người đại biểu của Nhân dân, kịp thời động viên cử tri và Nhân dân tích cực hưởng ứng, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời phản ánh tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của cử tri để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong quá trình chống dịch; Giám sát việc thực hiện các chính sách ứng phó với đại dịch và hỗ trợ hậu COVID; Thực hiện lồng ghép các nội dung có liên quan trong khi giám sát các chuyên đề của Quốc hội... Các chương trình, kế hoạch công tác, phương thức làm việc để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của tình hình dịch thực hiện các nhiệm vụ được Hiến định, luật định để cùng Chính phủ kịp thời ban hành các quyết sách cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Hoa cũng đưa ra các khuyến nghị trong tăng cường các hoạt động nghị viện, lập pháp, giám sát, quyết định ngân sách, thực hiện chức năng đại diện, hỗ trợ nâng cao năng lực của phụ nữ sẵn sàng ứng phó với đại dịch và thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các tình huống khẩn cấp; tăng cường nguồn lực, thực hiện bình đẳng giới hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có vấn đề việc làm bền vững, bảo đảm thu nhập đối với lao động nữ. Nhấn mạnh Nghị viện các nước thành viên cần đoàn kết, hợp tác, cùng hành động, góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an sinh - xã hội cho người dân; đồng thời, cần có các biện pháp hỗ trợ cho lao động nữ và những người yếu thế trong xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời các Nghị viện thành viên và các nghị sĩ cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và  thực tiễn tốt trong việc hoạch định và hoàn thiện chính sách việc làm đối với lao động nữ, mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc cho phụ nữ, tạo điều kiện trao đổi cởi mở các ý tưởng với phụ nữ, nâng cao tính minh bạch trong hoạch định chính sách.    

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Vai trò của Nữ Nghị sĩ trong đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ”. Đây là Nghị quyết do Quốc hội Việt Nam bảo trợ và được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các nghị viện thành viên, tạo được sự đồng thuận cao.

Theo đó, bám sát chủ đề của Năm Chủ tịch AIPA tại Việt Nam là “Ngoại giao nghị viện vì một Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng”, dự thảo Nghị quyết lấy chủ đề “Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ” nhằm kêu gọi các Nghị viện thành viên chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường sự phối hợp trong khu vực về lĩnh vực lao động - việc làm. Nghị quyết tập trung vào các khuyến nghị đối với Nghị viện các nước thành viên AIPA trên cơ sở các chức năng của Nghị viện trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò của nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA-41, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết sau hai giờ làm việc Hội nghị đã nghe thảo luận và thống nhất nội dung Nghị quyết Hội nghị. Bày tỏ tin tưởng rằng với sự đồng thuận và thống nhất cao Nghị quyết sẽ được thực thi trong thực tế nhằm đem lại bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm và thu nhập. Qua đó nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và xã hội của các nước thành viên ASEAN. Khẳng định các nữ nghị sĩ – đại diện cho tiếng nói của hàng trăm triệu phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực, cần đoàn kết hơn nữa để mang lại những thay đổi thiết thực trong trạng thái bình thường mới  để giải quyết những bất bình đẳng giữa nam và nữ còn tồn tại trong xã hội.

Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA-41, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cam kết sẽ chung tay cùng tất cả các nghị sỹ thúc đẩy xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để phụ nữ và trẻ em gái không những không ai bị bỏ lại phía sau mà sẽ không bị gạt sang bên lề và còn là những người tiên phong, chủ động đi đầu trong việc đưa ra sáng kiến, biện pháp tích cực hơn nữa, góp phần cải thiện bất bình đẳng giới, bao gồm cả bất bình đẳng giới cả việc làm và thu nhập.
Văn phòng Quốc hội