NSƯT Lê Tứ: Từ "thần đồng cải lương" miền Tây đến "kép móm"

Thanh Nhàn 26/4/2021, 10:09

Nổi lên trong giai đoạn cải lương đã qua thời kỳ hoàng kim, NSƯT Lê Tứ - cũng như bao nghệ sĩ cải lương cùng thời - đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Đến với "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM", NSƯT Lê Tứ đã có nhiều trải lòng cùng chương trình.

Cậu bé Lê Tứ (bìa trái) đã sớm bộc lộ tài năng cải lương ngay khi còn bé (Ảnh: NVCC)

“Thần đồng cải lương” miền Tây một thời

NSƯT Lê Tứ sinh năm 1975 tại Đồng Tháp, trong một gia đình mà hai bên nội ngoại đều là những tài tử miệt vườn. Lúc Lê Tứ 7-8 tuổi, ông nội, ông ngoại đi chơi đờn ca tài tử trong thôn xóm, thường hay dẫn Tứ đi theo và dạy cho anh hát. Lê Tứ tiếp thu rất nhanh và sớm cho thấy tố chất trở thành nghệ sĩ cải lương sau này. Từ 7-8 tuổi, Lê Tứ đã được xem như “thần đồng cải lương” ở Lai Vung. Năm 17 tuổi, trong một lần đi đám giỗ bà Ngoại tại An Giang, mấy cậu của Lê Tứ biết cháu có năng khiếu ca hát nên đề nghị đưa anh đi Sài Gòn thi vào trường sân khấu để được học bài bản. 

Khăn gói từ quê lên Sài Gòn với bao hy vọng trở thành nghệ sĩ, nhưng ngay từ những ngày đầu, Lê Tứ đã nhận được những lời khuyên anh nên… quay về hoàn tất việc học phổ thông (lúc đó Lê Tứ mới học lớp 11). Bởi với vóc dáng nhỏ bé, cộng với sự cạnh tranh trong tình hình sân khấu “đất chật người đông”, anh khó mà được đóng kép sau này. Nghe mọi người khuyên bảo, Lê Tứ cũng có đôi chút hoang mang, định về quê nhưng mẹ anh bảo nếu không học cải lương thì bà mặc kệ, không lo cho anh nữa.

NSƯT Lê Tứ và NSƯT Quế Trân (Ảnh: NVCC)

Chính lời nói đó của mẹ đã tiếp thêm động lực cho Lê Tứ trong những năm tháng khó khăn của thời sinh viên. Tuy nhiên, cũng may, những năm tháng ở Sài Gòn, không hiểu sao vóc dáng của anh đã dần được cải thiện. Anh hóm hỉnh bảo do mình dậy thì thành công ở Sài Gòn.

Thời sinh viên khó khăn, cầm hơi cả ngày bằng một gói mì

Lê Tứ kể thời sinh viên, do gia đình khó khăn nên việc anh ăn cơm thiếu “ghi sổ” của má Chín bán cơm trước cổng trường khá thường xuyên. Có những ngày không có tiền, anh đành cầm hơi qua ngày bằng một gói mì. Anh cũng tranh thủ sau giờ học đi làm thêm buổi tối như bưng nước ở các quán cà phê, đi hát thêm ở các tụ điểm, đám tiệc. Tuy nhiên, việc sinh viên đi hát quá sớm khi chưa học đến nơi đến chốn không được thầy cô trong trường cho phép bởi sinh viên sẽ rất dễ bị quen với cách hát không đúng và trở thành thói sẽ rất khó sửa. Chính vì vậy, Lê Tứ cũng không dám “chạy show” nhiều. 

Sống đúng với đam mê

Những năm 1997-1998, phim Phước Sang làm mưa làm gió ở các rạp, Lê Tứ và bạn bè xin được việc đi dán áp phích của phim. Đi dán từ 11g khuya đến 5-6 giờ sáng, tuy cực nhưng thù lao cũng giúp Lê Tứ xoay sở được trong 1 tuần. Đang lúc khó khăn, anh và nghệ sĩ Hà Như (bà xã của anh sau này) may mắn được mời tham gia vở diễn múa đương đại kết hợp với đờn ca tài tử của biên đạo Ea Sola Ngày xửa ngày xưa, lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Sau chuyến đi, anh sắm được chiếc xe máy để đi hát. Tuy nhiên, lúc này Lê Tứ chưa về đoàn hát nào, công việc chủ yếu là đi hát ở các quán nghệ sĩ, thu nhập khá bấp bênh. Bạn gái thấy vậy khuyên anh đổi nghề nhưng phần vì đam mê cải lương quá lớn, phần vì anh là kỳ vọng, là mong mỏi của bà con ở quê nhà nên một lần nữa, Lê Tứ quyết định đi tiếp con đường mà anh đã chọn từ đầu.

Lê Tứ tâm sự, mỗi lần về quê chơi, nghe bà con hàng xóm bảo: “Mày học lâu quá mà sao không thấy lên tivi gì hết vậy?”. Vì câu nói này, anh nhủ lòng phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Không chỉ học rất giỏi, Lê Tứ còn đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi, liên hoan sân khấu. Trong đó, giải thưởng mang tính bước ngoặt chính là giải Trần Hữu Trang năm 2001. Sau giải thưởng này, Lê Tứ mới được truyền thông chú ý, được Nhà hát Trần Hữu Trang mời về cộng tác và được xuất hiện trên các chương trình truyền hình, phát thanh.

NSƯT Lê Tứ là một trong những gương mặt quen thuộc của cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ" trong vai trò huấn luyện viên (Ảnh: Thành Nguyên)

Cũng từ đó đến nay, Lê Tứ trở thành một gương mặt quen thuộc trên màn ảnh nhỏ và được công chúng yêu mến với biệt danh “kép móm”. Năm 2015, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vì những đóng góp của mình cho bộ môn nghệ thuật cải lương. Nhìn lại chặng đường đã qua của mình, NSƯT Lê Tứ luôn cảm ơn những khó khăn, thử thách mà mình đã gặp phải vì những điều đó đã giúp anh mạnh mẽ hơn và trân trọng những gì mình đang có. Anh cũng cảm ơn Sài Gòn - TP.HCM vì thành phố từng là nơi phát triển rực rỡ nhất của sân khấu cải lương và là nơi đào tạo những nghệ sĩ cải lương tương lai để tiếp tục gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Ký ức Sài Gòn - TP.HCM phát sóng vào 10g sáng chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7!

Ý kiến của bạn: