LongFORM: Trung Quốc đối phó với thuế quan của Mỹ

NHƯ ANH - MAI LAN - THẢO TRANG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/4/2025, 12:00

(HTV)- Quyết định hoãn áp thuế quan ngày 9/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến thị trường toàn cầu tăng vọt, nhưng sau đó lại chao đảo khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Ông Trump cho biết hơn 75 quốc gia đã liên hệ với chính quyền của ông để đàm phán thương mại trong thời gian 90 ngày hoãn thuế, nhưng Bắc Kinh thì chưa có động thái nào. Cuộc đối đầu thương mại ngày càng leo thang, khi cả hai bên đều muốn khẳng định vị thế và quyết không nhượng bộ đối thủ.

Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn của nhau. Nhưng với Tổng thống Donald Trump, ông luôn cho rằng Mỹ đang bị nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, lợi dụng về thương mại.

Do vậy, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên 2017-2021, và ngay khi quay trở lại Nhà Trắng vào đầu năm 2025, ông Trump đã đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế quan lên nhiều nước trên toàn thế giới, trong đó, Trung Quốc bị áp tổng thuế 54%. Nguồn ảnh: AP.

Chính sách áp thuế gây tranh cãi của ông Trump nhắm vào hàng loạt quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng thay vì tìm cách đàm phán như nhiều nước khác, Bắc Kinh lại tung ra các đòn "ăn miếng trả miếng".

Chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức, ngày 3/2, Tổng thống Trump ban hành mức thuế bổ sung 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng thuế suất 10-15% với một số hàng hóa Mỹ.

Sau đó, ngày 5/3, Washington tiếp tục áp thuế thêm 10%. Theo đó, hàng Trung Quốc nhập khẩu chịu mức thuế 20%. Bắc Kinh đã ứng phó bằng cách mở rộng danh sách hàng hóa Mỹ chịu thuế 10-15%.

Đến ngày 2/4, ông Trump tiếp tục tăng thêm 34%, đưa tổng mức thuế áp dụng với hàng hóa Trung Quốc lên 54%. Trung Quốc sau đó công bố mức thuế trả đũa ở mức 34% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong ngày 14/4.

Quang cảnh một cảng hàng hoá tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Nguồn ảnh: /TTXVN.

Tiếp theo, vào ngày 9/4, mức thuế 84% mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc có hiệu lực, nâng tổng mức thuế lên 104%.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc đã tung đòn trả đũa, thông báo áp thuế 84% với các mặt hàng nhập khẩu Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/4.

Chỉ vài giờ sau, cũng trong ngày 9/4, ông Trump một lần nữa gia tăng áp lực khi nâng tổng thuế suất với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%.

Nhà Trắng ngày 10/4 làm rõ, mức thuế 125% này là mức bổ sung cho 20% trước đó, nên mức thuế tổng với Trung Quốc sẽ là 145%.

Đến ngày 11/4, Trung Quốc quyết định nâng mức thuế với hàng hóa Mỹ lên 125%. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lần đầu tiên lên tiếng về căng thẳng thương mại với Mỹ, cho rằng "không bên nào thắng trong một cuộc chiến thương mại, và việc đi ngược lại với thế giới sẽ chỉ dẫn đến tự cô lập."

Không chỉ tuyên bố và đưa ra các biện pháp đáp trả tương ứng, nhà chức trách Trung Quốc đang ráo riết ngăn chặn những thiệt hại do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ gây ra, nhằm cân bằng nền kinh tế, và duy trì mức tăng trưởng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, người pihát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không lùi bước nếu bị thách thức.

“Trung Quốc kiên quyết phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận hành vi ngạo mạn và bắt nạt như vậy,” Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lin Jian, cho biết.

Đặc biệt, trong ngày 9/4, Quốc vụ viện Trung Quốc ra sách trắng về quan hệ Trung Quốc - Mỹ, trong đó nêu rõ lập trường cứng rắn về quan hệ thương mại song phương.

Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa lớn đối với hàng hóa Mỹ. Nguồn ảnh: AFP.

Cùng ngày, đài CCTV tuyên bố rằng: “Trung Quốc nhấn mạnh rằng không có bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại và không có lối thoát cho chủ nghĩa bảo hộ. Áp lực và đe dọa không phải là cách đúng đắn để đối phó với Trung Quốc.

Bắc Kinh kêu gọi Washington ngay lập tức sửa chữa những hành vi sai trái của mình, hủy bỏ mọi biện pháp thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc, ngừng đàn áp nền kinh tế và thương mại của Trung Quốc và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với Trung Quốc thông qua đối thoại bình đẳng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.”

Ngoài việc áp thuế trả đũa ở mức 84% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 10/4,  Trung Quốc áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với 12 công ty Mỹ, hạn chế phim Mỹ tại Trung Quốc, vốn là thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới cũng như khuyến cáo khách du lịch Trung Quốc nên cân nhắc khi đến Mỹ.

Hàng nhập khẩu từ Mỹ trong một siêu thị ở Thượng Hải, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, kể cả trong bối cảnh căng thẳng leo thang từng ngày, cả Mỹ và Trung Quốc đều không bỏ qua khả năng đàm phán.

Người Phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, He Yongqia, cho biết: “Áp lực, đe dọa và tống tiền không phải là cách đúng đắn để đối phó với Trung Quốc. Hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng hành động theo hướng đó, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, giải quyết thỏa đáng những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn.”

Ngay sau các đòn áp thuế qua lại, chính quyền Trung quốc đã nhanh chóng hành động để giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Ngày 6/4, các tập đoàn đầu tư công như Chengtong và Huijin tăng cường mua vào cổ phiếu, ngăn chặn tình trạng bán tháo. Nhờ đó, chỉ số SSE Composite của Thượng Hải tăng 1,1%, Shenzhen Composite tăng 2,2% vào ngày 7/4. Trong khi đó, các thị trường khác trong khu vực giảm mạnh.

Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra các chính sách hỗ trợ nhằm cứu các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.

Một nhà máy sản xuất bóng rổ tại Trung Quốc. Nguồn ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh tiếp tục chính sách kích thích kinh tế nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu. Xuất khẩu của Trung quốc đã giảm từ 67% năm 2006 xuống còn 33% năm 2023. Trong đó, thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác khác, mở rộng thị trường sang châu Phi, Mỹ Latin như đã làm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đối mặt với những thách thức dài hạn.

Trong năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 438,9 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc – tương đương gần 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Rất khó tìm thị trường thay thế lớn như vậy.

Theo báo cáo của Goldman Sachs ngày 6/4, thuế quan mới có thể khiến mức tăng trưởng của Trung Quốc năm nay giảm xuống còn khoảng 4,5%, thấp hơn mục tiêu chính thức 5% do Bắc Kinh đề ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á từ ngày 14 đến 17/4. Nguồn ảnh: Reuters.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 9/4 cảnh báo cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung có thể làm giảm tới 80% kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nước.

Mức thuế quan siêu cao và kéo dài đều bất lợi cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Do vậy, giới quan sát nhận định, dù căng thẳng đến mức nào, hai nước này vẫn có những lợi ích chung để đối thoại, giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, cho đến lúc họ ngồi được vào bàn đàm phán, thị trường toàn cầu vẫn phải chứng kiến những tác động không nhỏ.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: