Võ Quốc: Cuộc đời thay đổi nhờ mẹ nuôi Nguyễn Doãn Cẩm Vân

Thanh Nhàn 15/2/2021, 09:00

Trượt đại học 3 lần, bố mẹ phải giấu con trai trong rẫy là những ngày tháng buồn bã nhất của đầu bếp, chuyên gia ẩm thực Võ Quốc. Những quán ăn vỉa hè ở TP.HCM đã giúp anh tìm được niềm an ủi.

Võ Quốc và mẹ nuôi Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân (Ảnh: Internet)

Tình cảm của Võ Quốc dành cho TP.HCM bắt nguồn từ những điều thật giản dị. Anh kể, bố mẹ anh rất quan tâm chuyện học hành của con cái vì ông bà cho rằng, chỉ có cái học mới giúp gia đình thoát nghèo. Chính vì vậy, cứ đến năm cấp 3 là ông bà cho các con xuống TP.HCM học vì nơi đây có điều kiện tốt hơn. Chỉ có điều, trong khi các anh chị em của Võ Quốc ai cũng học giỏi, riêng anh lại khiến cho ba mẹ thất vọng vì thi trượt đại học đến 3 lần.

Lý do anh bị trượt đại học vì ban đầu anh dự định thi Đại học Kiến trúc nên chỉ luyện vẽ thôi, nhưng năm lớp 12, anh bị tai nạn xe máy, tay gãy làm 3 khúc nên không vẽ được nữa. Anh chuyển sang thi khối A, song vì chỉ giỏi môn Hóa, lại kém về Toán và Lý nên không thể đỗ được đại học. Anh nhớ lại thời điểm đó, cứ mỗi đợt Tết về quê thăm nhà, bố mẹ sợ hàng xóm biết việc con trai mình không đỗ đại học nên thường “giấu” anh ở rẫy, không cho mọi người gặp. Và trong những tháng ngày buồn bã đó, Võ Quốc tìm được sự an ủi ở những hàng quán, những quán ăn vỉa hè ở TP.HCM mà anh hay ghé.

Từ anh chàng trượt đại học 3 lần đến đầu bếp nổi tiếng là một hành trình nỗ lực không mệt mỏi của Võ Quốc (Ảnh: NVCC)

Anh nói, kể cả khi cô đơn nhất, không có ai bên cạnh thì ít ra Sài Gòn vẫn ủi an anh bằng chính những hàng quán này. Anh không cảm thấy cô đơn vì cứ mỗi lần ghé, các chủ quán dường như đã “nhẵn mặt” anh nên mang ra những món đúng sở thích của mình. Đó là cảm giác rất thân thuộc như người thân vậy! Hiện tại, anh đã là người nổi tiếng, những chủ quán đó vẫn nhớ anh. Tình cảm đó khiến anh càng trân trọng và cố gắng hơn trong công việc để không làm họ thất vọng.

Nói về quá trình từ một chàng trai không đỗ đại học để trở thành một đầu bếp nổi tiếng anh nhắc đến một nhân vật đặc biệt đã làm thay đổi cuộc đời anh đó chính là đầu bếp “quốc dân” Nguyễn Doãn Cẩm Vân. Bà là mẹ của bạn anh. Trong những ngày luyện thi đại học, anh hay qua nhà người bạn này chơi. Những lúc rảnh rỗi, anh hay xuống bếp phụ mẹ nuôi Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nấu ăn. Từ những lần phụ việc đó, bà đã phát hiện anh có năng khiếu nấu ăn nên đã thuyết phục mẹ ruột cho anh học nghề đầu bếp. Và mối duyên của anh đến với nghề này bắt đầu từ đó.

Từ một chàng trai thi trượt đại học 3 lần, Võ Quốc trở thành một đầu bếp nổi tiếng, một food stylist, chủ biên của nhiều tờ báo ẩm thực. Có thời điểm, thu nhập hàng tháng thấp nhất của anh cũng ngót nghét nửa tỉ đồng. Tuy nhiên, để có được những thành công đó, anh cũng đã phải cố gắng và vượt qua nhiều định kiến về việc con trai học nghề bếp, kể cả những trận đòn của gia đình. Thành công của anh hôm nay là một ví dụ điển hình của câu nói: “đại học không phải là con đường duy nhất để thành công”. Bất cứ công việc nào cũng có thể mang lại cho bạn những thành quả xứng đáng nếu bạn biết cố gắng và phấn đấu để thực hiện nó tốt nhất.

Câu chuyện về hành trình trở thành đầu bếp của Võ Quốc được anh nhắc lại trong chương trình "Ký ức Sài Gòn - TP.HCM" như cách mà mọi người vẫn hay hồi tưởng về ký ức của mình mỗi khi Tết đến xuân về. Anh cũng chia sẻ những quan điểm của mình về câu chuyện ẩm thực cũng như mâm cơm ngày Tết của người TP.HCM. Bên cạnh đó, những món ăn mới cũng được “cập nhật” vào mâm cơm Tết, phù hợp với lối sống hiện đại của người thành phố. So với trước kia, hiện tại người dân TP.HCM không quá mất nhiều thời gian cho việc bếp núc vì đã có nhiều dịch vụ, hàng quán phục vụ đồ ăn tận nhà. Nhiều gia đình không có không gian nấu bánh chưng, bánh tét có thể đặt hàng trên mạng internet… Nhìn chung, các món ăn Tết của người Sài Gòn có sự ảnh hưởng, pha trộn văn hóa của các vùng miền được người địa phương mang theo khi đến đây lập nghiệp. Nhìn vào mâm cơm của người TP.HCM có thể hiểu được phần nào mối quan hệ xã hội của gia chủ. Chẳng hạn gia chủ có mối quan hệ rộng, mâm cơm sẽ có đầy đủ các món ăn của 3 miền để đãi khách. Điều đó cũng thể hiện tính cách cởi mở, phóng khoáng của người TP.HCM.

Đầu bếp Võ Quốc tích cực giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt đến các bạn trẻ và khách nước ngoài (Ảnh: NVCC)

Tiếp nối câu chuyện về ẩm thực, đầu bếp Võ Quốc nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành ẩm thực trong việc định vị thương hiệu du lịch. Đây là kho tàng phong phú để "ngành công nghiệp không khói" khai thác, nhằm hình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. Một trong những rào cản lớn nhất để phát triển du lịch ẩm thực hiện nay chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là khi Việt Nam nổi tiếng với văn hóa ẩm thực đường phố và phần lớn du khách khi đến nước ta đều muốn khám phá nét văn hóa này. 

Theo đầu bếp Võ Quốc, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về nội dung, hình ảnh của những sản phẩm quảng bá ẩm thực Việt trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Để thực hiện điều này cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành liên quan. Với tâm huyết mà đầu bếp, chuyên gia ẩm thực Võ Quốc dành cho nền ẩm thực Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ những dự án thiết thực và nhân văn của anh trong tương lai!

Ý kiến của bạn: