Quốc hội nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 6/5/2025, 18:16

(HTV) - Quốc hội thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp 2013, đa số đại biểu nhất trí cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hệ thống chính trị trong giai đoạn phát triển mới.

Sáng 5/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sau khi nghe Tờ trình đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Sáng 5/5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Đa số đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao, cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Đây là bước đi quan trọng nhằm tạo cơ sở hiến định cho công cuộc cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trương Trọng Nghĩa nhận định, việc tinh gọn bộ máy hành chính đang được triển khai mạnh mẽ theo đúng chủ trương của Đảng, do đó Hiến pháp 2013 cần có sự điều chỉnh tương ứng. Ông ủng hộ việc tập trung sửa đổi vào hai nhóm nội dung được nêu trong Tờ trình: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; cùng với đó là các quy định nhằm thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) nhất trí với việc chỉ sửa các điều khoản liên quan đến thành viên Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ trực thuộc MTTQ Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tính độc lập tương đối của các tổ chức này cần được bảo đảm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, ông Phan Văn Mãi, cho biết quy trình thảo luận và thông qua sẽ được triển khai theo hai bước trong cùng một kỳ họp. Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban Dự thảo, cơ quan này sẽ xây dựng dự thảo nghị quyết và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các ngành, các cấp.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là bước đi thận trọng nhưng cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay

Quốc hội sẽ cho ý kiến hai lần đối với dự thảo nghị quyết. Sau mỗi lần thảo luận, Ủy ban Dự thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo. Cuối cùng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, dự thảo nghị quyết bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Với quy trình được thiết kế chặt chẽ, khoa học, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nội dung sửa đổi được khoanh vùng rõ ràng, các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là bước đi thận trọng nhưng cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: