(HTV) - Sau thông báo Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng thêm 90 ngày, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thời gian quý giá để tăng tốc sản xuất và đẩy nhanh giao hàng sang Mỹ, trước khi nguy cơ thuế quan gây áp lực lên giá thành và năng lực cạnh tranh.
Theo ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, trước kia thời gian sản xuất thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng thì nay doanh nghiệp phải rút xuống chỉ còn 45 ngày để kịp tiến độ. Nguyên phụ liệu được nhập về liên tục, công nhân tăng ca, nhà máy vận hành hết công suất để hàng kịp lên tàu sang Mỹ trong khoảng thời gian tạm hoãn hiếm hoi này.
Cùng chung áp lực, ông Nguyễn Thi Nhân - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chuỗi cung ứng Toàn cầu Sala, cho rằng với thời gian vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ mất khoảng một tháng, các doanh nghiệp buộc phải hoàn tất và giao hàng trong vòng 60 ngày để tránh rủi ro về lịch tàu và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Công nhân tại một doanh nghiệp dệt may tăng ca sản xuất để kịp giao hàng sang Mỹ trước thời hạn áp thuế mới
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào việc "chạy nước rút" trong 90 ngày. Bài toán dài hạn về ổn định thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh đang được đặt lên hàng đầu.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, một trong những hướng đi bền vững là sớm xúc tiến đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hoa Kỳ. Nếu Việt Nam tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ và sản xuất hàng hóa bằng chính nhân công trong nước, đồng thời có quy chế xuất xứ minh bạch, việc xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn cả hai phía.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM
Ở góc nhìn khác, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin nhấn mạnh việc đa dạng hóa thị trường là yếu tố sống còn để giảm rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như Mỹ. Ông cho rằng các doanh nghiệp nên chuyển đổi mô hình phân phối theo hướng B2C, tức là trực tiếp sản phẩ từ nhà máy đến người tiêu dùng, để cắt giảm chi phí trung gian và giữ giá hàng hóa ở mức cạnh tranh ngay cả khi thuế suất tăng cao.

Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin
Thực tế, dù mức thuế bổ sung 10% hiện tại không quá "sốc" như con số 46% từng được đề xuất, nhưng vẫn gây ảnh hưởng đáng kể đến sức cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Mỹ. Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là kiểm soát nghiêm ngặt xuất xứ hàng hóa. Chỉ một mắt xích gian lận có thể khiến doanh nghiệp mất trắng thị trường đã gây dựng hàng chục năm.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (AGTEX), cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng trong việc giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, đảm bảo thực hiện đúng luật định để không ảnh hưởng đến toàn ngành.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (AGTEX)
Trong bối cảnh đầy biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực trang bị những "hộ chiếu" mới để vững vàng chinh phục thị trường toàn cầu. Đó không chỉ là giá cả cạnh tranh mà còn là giá trị thực của sản phẩm, được xây dựng trên nền tảng minh bạch xuất xứ, chống gian lận thương mại, đẩy mạnh nội địa hóa và đa dạng hóa thị trường.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9