LongFORM: Xung đột Nga - Ukraine, Nga “giải phóng” tỉnh Kursk, ra tín hiệu hòa giải

NHƯ ANH - KIM NGÂN - HÀ THẢO - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 3/5/2025, 11:00

(HTV) - Xung đột giữa Nga và Ukraine liên tục ghi nhận diễn biến mới, cả trên thực địa lẫn trên bàn đàm phán, nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm qua.

Ngày 26/4, Nga tuyên bố quân đội nước này đã hoàn toàn "giải phóng" khu vực biên giới ở tỉnh Kursk khỏi lực lượng Ukraine.

Quang cảnh làng Kazachya Loknya, ở quận Sudzha thuộc vùng Kursk vào ngày 18/03/2025. Nguồn ảnh: AFP/Getty Images

Ngày 26/4, hãng thông tấn RIA Novosti công bố video từ thiết bị bay không người lái, cho thấy binh sĩ Nga thượng cờ tại làng Gornal, khu dân cư cuối cùng mà quân đội Ukraine kiểm soát tại tỉnh Kursk.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valery Gerasimov, cho biết lực lượng của Nga đã “giành lại ngôi làng cuối cùng do Ucraina kiểm soát, và đẩy lùi toàn bộ lực lượng của đối phương về bên kia biên giới. Đối thủ muốn gây sức ép ở Kursk để làm gián đoạn chiến dịch tiến quân của Nga tại vùng Donbass, nhưng ý đồ đó đã bị ngăn chặn."

Nga tuyên bố quân đội nước này đã “giành lại ngôi làng cuối cùng do Ukraine kiểm soát”, ngày 26/04/2025. Nguồn ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố rằng “cuộc phiêu lưu của chính quyền Kiev đã thất bại hoàn toàn. Ukraine chịu tổn thất nghiêm trọng, bao gồm những lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt nhất, với những thiết bị của phương Tây."

Sau tuyên bố của Mátxcơva, Bộ Tổng tham mưu Ukraine phản hồi và cho biết: "Các hoạt động phòng thủ của Ukraine tại một số khu vực của tỉnh Kursk vẫn tiếp tục".

Tháng 8/2024, Quân đội Ukraine mở chiến dịch tấn công tỉnh Kursk nhằm chuyển hướng lực lượng Nga khỏi mặt trận Donbass ở miền Đông Ukraine, gồm tỉnh Donetsk và Lugansk; đồng thời Kiev muốn sử dụng vùng lãnh thổ - nếu giành được này - làm quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mátxcơva. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp trực tuyến với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov ngày 26/4/2025. Nguồn ảnh: Reuters

Ukraine tiến quân nhanh chóng trong vài tuần đầu của chiến dịch, chiếm được khoảng 1.300 km2 lãnh thổ ở tỉnh Kursk. Tuy nhiên, Nga đã củng cố lực lượng sau thời gian bất ngờ ban đầu và điều hàng chục ngàn quân tham gia phản công tại đây. 

Đến đầu tháng 3/2025, Quân đội Nga mở chiến dịch phản công quy mô lớn và giành lại phần lớn lãnh thổ bị Kiev chiếm tại tỉnh Kursk, trong đó có thị trấn chiến lược Sudzha. Lực lượng Nga còn tiến quân qua biên giới và kiểm soát một số khu vực thuộc tỉnh Sumy của Ukraine nhằm tạo vùng đệm an ninh.

Cũng trong tháng 4/2025, phía Nga liên tục thể hiện các tín hiệu mang tính hòa giải, từ thông báo lệnh ngừng bắn tạm thời Dịp Lễ Phục sinh, cho đến tuyên bố sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Ukraine. Trong khi đó, Mỹ - quốc gia tích cực thúc đẩy tiến trình đàm phán - lại cho thấy sự “mất kiên nhẫn” khi những tiến triển chưa được như mong đợi của họ.

Tại cuộc gặp Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff hôm 25/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tái khẳng định rằng Nga sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine mà "không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào."

Hai bên xung đột chưa tổ chức cuộc đàm phán trực tiếp nào kể từ khi Mátxcơva bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi năm 2022.

Tổng thống Vladimir Putin gặp Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff, ngày 25/4/2025. Nguồn ảnh: Điện Kremlin

Thời gian qua, dù khẳng định thiện chí đàm phán, các quan chức Nga liên tục nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình khả thi nào cũng phải bao gồm sự công nhận chính thức về lãnh thổ trên thực địa. Ngoài ra, thoả thuận cũng phải bao gồm phương án giải quyết các mối quan ngại cốt lõi về an ninh, bao gồm sự trung lập của Ukraine, cũng như lệnh cấm duy trì các lực lượng và cơ sở hạ tầng của NATO trên vùng lãnh thổ này.

Trước đó, Tổng thống Putin ngày 19/4 thông báo lệnh ngừng bắn 30 tiếng nhân dịp lễ Phục sinh vì mục đích nhân đạo. Còn vào giữa tháng 3, Nga và Ukraine nhất trí thỏa thuận ngừng tấn công các cơ sở năng lượng của nhau.

Tổng thống Nga bất ngờ công bố lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Phục sinh vào ngày 19/4/2025. Nguồn ảnh: Reuters

Trong một diễn biến mới nhất, hôm 28/4, Nga tuyên bố quân đội nước này sẽ đơn phương ngừng bắn từ ngày 8 đến 11/5, nhân dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5, sự kiện đánh dấu kết thúc Thế chiến II. Tuy nhiên, phía Nga cũng khẳng định vẫn "bảo lưu quyền đưa ra đòn trả đũa phù hợp" nếu lệnh ngừng bắn bị vi phạm.

Về phần mình, các quan chức Mỹ, Ukraine và châu Âu đã nhóm họp tại Paris (Pháp) và Luân Đôn (Anh) để thảo luận về khả năng chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng triển vọng đạt được đột phá đang dần thu hẹp, bất chấp sức ép từ phía Mỹ nhằm thúc đẩy một thỏa thuận. Điều này khiến Washington đe dọa sẽ từ bỏ vai trò trung gian hoà giải nếu mọi việc không tiến triển.

Ngày 26/4, ông Trump cảnh báo có thể sẽ tăng cường “các biện pháp trừng phạt thứ cấp” đối với Nga. 

Trong nỗ lực trung gian hòa giải, Mỹ đã đề xuất một thỏa thuận khung nhằm chấm dứt chiến sự Ukraine. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải sự phản đối của các nước châu Âu và Ukraine, cho rằng Washington đang nhượng bộ Mátxcơva, và có những điều khoản bất lợi cho Kiev. 

Theo truyền thông quốc tế, kế hoạch tìm kiếm hòa bình của Mỹ bao gồm 7 điểm chính. Trong đó, cùng với việc Nga - Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán trực tiếp là việc Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi vẫn duy trì khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU). 

Tổng thống Mỹ đã gây sức ép buộc cả Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, đe dọa sẽ áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga, hoặc chấm dứt hàng tỷ USD hỗ trợ quân sự của cho Ukraine. Nguồn ảnh: AFP

Nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong đề xuất hòa bình của Mỹ là vấn đề liên quan đến lãnh thổ, khi Kiev sẽ phải từ bỏ hầu hết các vùng lãnh thổ hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Mátxcơva, trong đó có bán đảo Crưm, để đổi lấy hỗ trợ kinh tế và đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, đây được xem là “ranh giới đỏ” đối với Ukraine. Quốc gia này kiên định với mục tiêu toàn vẹn chủ quyền trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào với Nga.

Một số ý tưởng từ Washington, theo các nhà ngoại giao châu Âu, cũng được cho là khó có thể làm hài lòng Mátxcơva, như việc Mỹ không thúc đẩy yêu cầu của Nga về vấn đề phi quân sự hóa Ukraine, đồng thời không phản đối việc triển khai quân đội châu Âu tới lãnh thổ của Kiev như một phần của các đảm bảo an ninh tương lai cho nước này.

Những vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Ảnh minh hoạ: Sky

Đó là chưa kể, căng thẳng thương mại hiện nay giữa Mỹ và châu Âu cũng gây thêm sức ép đối với tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận cho vấn đề Ukraine.

Trong ngày 26/4, Tổng thống Ukraine, Zelensky cho biết ông đã có cuộc gặp hiệu quả với Tổng thống Mỹ Trump tại Vatican, trong đó cả hai bàn về "một lệnh ngừng bắn vô điều kiện và toàn diện. Hòa bình lâu dài và bền vững, ngăn một cuộc chiến khác nổ ra." 

Cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Zelensky tại Vatican ngày 26/4/2025. Nguồn ảnh: AP

Cuộc gặp tuy được coi là bước tiến trong nỗ lực hòa giải, song tình hình hiện tại vẫn còn nhiều bất ổn và tương lai của một thỏa thuận hòa bình bền vững phụ thuộc vào các bên có đạt được sự đồng thuận then chốt hay không.

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh NATO - được tổ chức vào tháng 6 tới sẽ chú trọng vào cuộc thảo luận về vấn đề hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Donald Trump thì cho biết ông có thể gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay sau chuyến thăm Trung Đông vào tháng 5. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: