NSƯT Thành Lộc và ký ức Sài Gòn

Là một người sinh ra và lớn lên tại TP.Hồ Chí Minh, NSƯT Thành Lộc có rất nhiều ký ức gắn liền với nơi này. Ngoài những câu chuyện làm nghề, Thành Lộc còn chia sẻ về tuổi thơ tươi đẹp của mình.


NSƯT Thành Lộc là người đặt nhiều tâm huyết với sân khấu kịch nói

Ký ức tuổi thơ

NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Tôi nhớ lần đầu tiên Sài Gòn có cây đèn xanh đèn đỏ, tôi xem nó như là một phép màu. Lúc đó, tôi chỉ là một cậu bé 5 - 6 tuổi, sống là khu xóm nhà nghèo nhưng lại nằm sát bên một đại lộ rất phồn thịnh. Ba mẹ có sắm cho tôi những bộ đồ bà ba bằng vải sa-tanh. Tôi có một thú vui là mặc đồ bà ba màu trắng đứng dưới cây đèn xanh đèn đỏ để nhuộm màu bộ đồ của mình. Trong ba màu của cây đèn giao thông, tôi thích nhất là màu vàng. Nhưng tín hiệu đèn vàng thường rất ngắn, chỉ khoảng 3 đến 5 giây, nên tôi thích nhất khoảnh khắc bản thân được nhuộm ánh đèn vàng”.

Ngày trước, nhà NSƯT Thành Lộc ở có một con đường nhỏ, bây giờ là đường Đặng Thị Nhu. Con đường này rất đặc biệt, khoảng 3 giờ sáng có một khu chợ nhỏ bán cá hấp và chỉ tồn tại đến 5 giờ là kết thúc. Khi trời sáng, nguyên con đường đó không còn dấu tích của chợ cá. Và đến 4 - 5 giờ chiều, con đường tiếp tục trở thành chợ bán sách. “Bản thân con đường này tồn tại hai văn hóa ẩm thực và tri thức. Vì vậy, con đường rất ấn tượng trong ký ức của tôi”, NSƯT Thành Lộc cho biết.


Sài Gòn là nơi lưu giữ rất nhiều ký ức đẹp của NSƯT Thành Lộc

Nhớ lại ngôi trường Nguyễn Thái Học mà mình từng theo học, NSƯT Thành Lộc kể, kế bên là rạp chiếu bóng Đại Nam. Mỗi lần tan trường, trên tay xách chiếc cặp, anh liền chạy đến đứng trước cửa rạp để hưởng cảm giác mát từ máy lạnh tỏa ra. Mặt khác, sảnh rạp hát lúc đó lát gạch granite, rất trơn nhưng đây cũng là nơi trẻ con thích thú chơi trò trượt ba-tin. 

“Ngày đó, tôi nhớ hay bị mấy anh canh rạp đuổi đi lắm. Nhưng cứ đuổi đằng này, chúng tôi lại chạy sáng đằng khác, miễn sao được chơi và được hưởng máy lạnh”,  NSƯT Thành Lộc nói.

Đối với NSƯT Thành Lộc, Trung thu cũng là một kỷ niệm khó quên. Ngày xưa, các anh chị ở nơi anh sống thường tổ chức cho đám con nít rước rèn trung thu. Dù lồng đèn bây giờ được làm bằng rất nhiều chất liệu, nhưng nghệ sĩ vẫn rất thích chiếc đèn được chế tạo từ giấy gió. 


Trong chương trình “Ký ức Sài Gòn”, anh đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện tuổi thơ tươi đẹp

NSƯT Thành Lộc chia sẻ: “Ban đêm, giấy gió có màu đục nên ánh sáng mới hội tụ trông rất đẹp, còn lồng đèn giấy kiếng chỉ đẹp vào ban ngày. Tôi ở trong một xóm lao động nghèo nên ít có gia đình nào có lồng đèn giấy kiếng. Tôi nhớ, lúc đó, đám con nít xếp hàng dài 60-70 chục đứa trên tay cầm những chiếc lồng đèn giấy gió rước đèn từ trong xóm ra đến ngoài đường, nhìn rất đẹp. Từ xa, ai cũng thích nên những đứa con nít nhà giàu “mê” và xin được vào hội để chơi cùng. Thật sự những ký ức đó, tôi không thể nào quên”.

Ký ức làm nghề

NSƯT Thành Lộc xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, có cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn, mẹ là nghệ sĩ hát bội Huỳnh Mai, anh trai Bạch Long, chị gái Bạch Lê đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Anh được biết đến qua nhiều vai diễn trong vở: Ông Kẹ và các bà mẹ, Những đứa con của rồng, Đêm họa mi, Dạ cổ hoài lang, Tía ơi má dìa... Ngoài thành công trong lĩnh vực sân khấu, anh còn đóng phim, giữ vai trò phó giám đốc sân khấu kịch Idecaf. 

Nhớ lại ký ức ngày xưa, NSƯT Thành Lộc cho biết nhà anh ở sát cánh gà của một sân khấu nên ngày nào cũng được nhìn thấy những người nghệ sĩ tất bật “sắm tuồng”. Từ đó, niềm đam mê nghệ thuật được hình thành trong anh. 


NSƯT Thành Lộc lựa chọn sân khấu kịch trong khi cả nhà đều chọn đi theo sân khấu cải lương

Tuy NSƯT Thành Lộc sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, nhưng ba anh không ra một nguyên tắc “con nghệ sĩ thì phải làm nghệ sĩ”. Nhiều gia đình nghệ sĩ cho con đi theo con đường ca hát từ nhỏ thường bỏ dở chuyện học hành. Nhưng gia đình nghệ sĩ Thành Lộc không như vậy.

NSƯT Thành Lộc tâm sự: “Ba tôi không cho phép chuyện đó xảy ra. Cả nhà ai cũng theo sân khấu cải lương nhưng có tôi theo sân khấu kịch. Lúc 8 tuổi, tôi đã xuất hiện trong những ban thoại kịch của thiếu nhi trên đài truyền hình từ trước năm 1975. 

Khi đất nước thống nhất, xuất hiện những nhà hát kịch chuyên nghiệp từ miền Bắc. Hai đơn vị đầu tiên là đoàn kịch nói Hà Nội và đoàn kịch nói Trung ương. Chính sự xuất hiện của hai đoàn kịch này khiến cho tôi say mê bộ môn kịch nói. Tôi nghĩ, thoại kịch là sở trường của mình”. 


Anh cho rằng, kịch nói có thể phát huy được sở trường và cá tính bản thân

Năm 1977, sau khi trở về nước từ Liên hoan thiếu nhi thế giới tổ chức tại Mát-cơ-va, NSƯT Thành Lộc nhận được lời đề nghị từ trường múa Việt Nam tại Hà Nội muốn đào tạo để anh trở thành diễn viên múa ba-lê chuyên nghiệp. Nhưng sau khi xem hai đoàn kịch nói, nghệ sĩ này cảm thấy háo hức muốn trở thành diễn viên kịch. Cho nên, anh quyết định quay trở lại TP. Hồ Chí Minh để thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu.

Năm 1997, NSƯT Thành Lộc cùng nghệ sĩ múa rối - Huỳnh Anh Tuấn - thành lập sân khấu Idecaf theo mô hình xã hội hóa, diễn các tác phẩm thiếu nhi lẫn người lớn. Sau một lần được mời kể chuyện xưa trên truyền hình cho trẻ em, cả hai nảy ra ý tưởng làm chương trình Ngày xửa ngày xưa vào mỗi dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6), và được các bé đón nhận nồng nhiệt.


Vai Cám trong vở diễn “Tấm Cám” được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích

Một lần khi diễn vở Tấm Cám, NSƯT Thành Lộc tung tăng nhảy múa trên sân khấu thì đạp phải đinh dài khoảng 10 cm, nửa cây đinh xuyên vào lòng bàn chân. Anh kể: "Lúc đó, nếu tôi rút cây đinh ra thì máu sẽ chảy ra sân khấu trông rất kỳ. Vì vậy, tôi để nguyên, vừa diễn vừa cà nhắc. Các bé thấy vậy cười ầm ầm mà không biết tôi đang bị thương. Kết thúc phân đoạn, tôi rút cây đinh ra và chỉ băng bó tạm thời để diễn tiếp". 

Thương hiệu Ngày xửa ngày xưa đã gần 30 tuổi gắn bó với nhiều thế hệ khán giả. Lúc đặt tên này, NSƯT Thành Lộc muốn dù cho mọi người có sống qua thời đại nào thì những câu chuyện cổ tích vẫn là thế giới mộng mơ trong trí tưởng tượng. Vì vậy, thương hiệu vẫn trung thành lựa chọn những câu chuyện ngày xửa ngày xưa chứ không phải ngày nảy ngày nay.

Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng lúc 10g Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.
Trần Nhậm