Cân nhắc xem xét lộ trình khi điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 16/8/2024, 13:56

(HTV) - Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia và bổ sung nhóm mặt hàng đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết nhưng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội và có lộ trình hợp lý.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp tại Hà Nội.

Hội thảo Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp tại Hà Nội

Về phương pháp tính thuế, hiện thế giới đang áp dụng 03 phương pháp gồm: Phương pháp thuế tuyệt đối, Phương pháp thuế tương đối và Phương pháp tính thuế hỗn hợp. Bộ Tài chính đơn vị thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi cho rằng: Phương pháp tính thuế hỗn hợp hay phương pháp thuế tuyệt đối với rượu/bia là chưa phù hợp với Việt Nam. Do đó, Bộ đề xuất phương pháp tương đối (tức là tính theo tỉ lệ phần trăm/giá bán của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu).

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục Trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế

Trước các phương pháp tính thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Cục Trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế nhận định rằng, nếu áp dụng ngay Phương pháp tuyệt đối thì sẽ gây sốc cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng bởi chúng ta có thu nhập trung bình và không có đủ tiền để mua chai bia hơn 100 nghìn đồng. Cho nên việc áp dụng phương pháp thuế theo tỉ lệ phần trăm mà chúng ta đang làm là hợp lý hơn.

Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình với rượu trên 20 độ từ~65% hiện tại lên 100% vào 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ từ 35% sẽ lên 50% sau đó tăng lên cao nhất 70%. Bia các loại cũng tăng dần từ 65% lên 100%. Chuyên gia và doanh nghiệp đồng tình với chủ trương điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng đồ uống, song cho rằng cần xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng một cách hợp lý.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế và pháp lý, Deloitte Việt Nam

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế và pháp lý, Deloitte Việt Nam chia sẻ rằng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn xem xét mức tăng phù hợp cũng như lộ trình tăng phù hợp. Có thể năm 2026 sẽ tăng 5% và sau đó 2 năm nữa tăng tiếp để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng. Nếu tăng nhanh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ khó có thể chống chịu được.

Ngoài hai phương án như trong dự thảo luật, thảo luận tại diễn đàn, có ý kiến đề xuất có thể có phương án thứ ba, trong đó đề xuất đánh thuế từ năm 2027 hoặc năm 2028 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Đồng thời, cần cân nhắc mức thuế cao nhất đến năm 2030 là bao nhiêu phần trăm dựa trên việc xác định đây là chính sách chính trong việc giảm tiêu thụ rượu, bia hay là chỉ là chính sách bổ sung.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: