(HTV) - TP.HCM dồn lực đầu tư hệ thống đường vành đai, cao tốc, giải quyết ùn tắc và tăng cường kết nối vùng, tạo động lực phát triển mới.
Trong khi dự án Vành đai 3 TP.HCM đang bước vào giai đoạn thi công nước rút, dự kiến đưa vào khai thác 14,7km cầu cạn đầu tiên vào cuối năm nay, thì Vành đai 2 TP.HCM cũng vừa chính thức khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn đoạn 1 và 2.
Theo kế hoạch, gói thầu xây lắp sẽ được triển khai vào tháng 9 năm nay, hướng tới mục tiêu khép kín toàn bộ 70km của Vành đai 2, đi qua các quận huyện 7, 8, 12, Bình Tân, Hóc Môn, Bình Chánh, TP. Thủ Đức và TP. Dĩ An (Bình Dương) vào năm 2027.
Đường Vành đai 2 - Võ Nguyên Giáp - Phạm Văn Đồng - Nút giao Gò Dưa
Về các tuyến cao tốc, TP.HCM dự kiến khởi công gói thầu hạ tầng kỹ thuật Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong năm nay. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông TP.HCM, cho biết: "Sau khi đã cơ bản hoàn tất cắm mốc giao ranh toàn tuyến, các địa phương ở TP.HCM cũng như Tây Ninh đang tập trung để tháng 6 này có thể chi trả cho nhóm đất nông nghiệp và có thể giao mặt bằng từ tháng 8, phấn đấu đến tháng 9 khởi công các gói thầu xây lắp thành phần 2".
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ đầu tư xây dựng đường dẫn kết nối các tuyến cao tốc quan trọng như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Các tuyến cao tốc quan trọng TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch giao thông đô thị, đánh giá cao sự chủ động hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận trong việc phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng: "Liên kết vùng rất quan trọng. Gần đây, TP.HCM và các tỉnh chủ động hợp tác, tập trung nhiều hơn cho vấn đề này, đây là xu hướng rất tốt, rất phù hợp. Thứ hai, nếu TP.HCM sáp nhập với Bình Dương và Vũng Tàu thì rõ ràng chúng ta phải có hạ tầng tương xứng với cục diện mới này".
Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch giao thông đô thị
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, khẳng định: "Chúng ta đầu tư giao thông kết nối vùng để mở rộng không gian phát triển cũng như phát triển các thế mạnh, các loại hình kinh tế dịch vụ của thành phố thông qua việc phát triển các hạ tầng khung, hạ tầng chiến lược kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Các Vành đai 2, 3, 4 sẽ hoàn thành trước năm 2028, các tuyến cao tốc sẽ được mở rộng hoàn chỉnh trước năm 2030".
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM
Việc đầu tư xây dựng hàng loạt các tuyến vành đai, cao tốc thể hiện nỗ lực của TP.HCM trong việc từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố mà còn tăng cường kết nối với các tỉnh thành trong khu vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.