Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 12/5/2025, 12:00

(HTV) - Tại hội trường, các đại biểu đã nghe Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày trước Quốc hội.

Tại Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng nay 12/5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tờ trình về ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quốc hội cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tờ trình về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 nêu rõ: căn cứ chủ trương của Đảng và yêu cầu thực tiễn, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng cần rút ngắn khoảng thời gian giữa Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân khóa mới để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật, sau khi cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được rút ngắn 3 tháng, kết thúc vào đầu tháng 4 năm 2026 (thay vì tháng 7 năm 2026). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng trình Quốc hội Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là Chủ Nhật, ngày 15/3/2026.

Tại hội trường, các đại biểu cũng đã nghe Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày trước Quốc hội.

Theo đó, dự thảo Luật cũng điều chỉnh chính sách thuế đối với lĩnh vực báo chí. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định rằng trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí có xu hướng sụt giảm. Do đó, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở nhất trí với đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in. 

Nhiều đại biểu cũng tán thành với quy định này của dự luật, nhấn mạnh đây là một bước tiến quan trọng có tính hỗ trợ chiến lược đối với ngành báo chí Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, chuyển đổi số cũng như các thách thức thị trường. Vì vậy, việc bổ sung báo chí vào diện ưu đãi thuế giúp giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để cơ quan báo chí tiếp tục duy trì nhiệm vụ chính trị xã hội.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng cần xác định liệu quảng cáo trên báo điện tử có thuộc diện ưu đãi hay không, đồng thời liên kết các ưu đãi này với những tác động tích cực mà nó mang lại cho cộng đồng và xã hội. Để đảm bảo điều này, cần có các tiêu chí kiểm soát chặt chẽ về chất lượng nội dung, sản phẩm, và tính chính thống của thông tin.

Bên cạnh đó, Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng nên kết hợp với các chính sách hỗ trợ trực tiếp khác. Cụ thể, việc thành lập một quỹ đổi mới sáng tạo cho báo chí sẽ thúc đẩy sự phát triển. Quỹ này cũng có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí địa phương trong việc đào tạo về công nghệ và thực hiện chuyển đổi số.

Một số đại biểu cũng kiến nghị với những trường học, bệnh viện cần tính toán loại bỏ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp để không tạo thêm gánh nặng cho người học, người bệnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội 

“Việc nộp thuế được tính trên doanh thu (2%), nên nếu thu thuế thì đương nhiên trong giá dịch vụ y tế, học phí và giáo dục phải tính thêm thuế. Điều này làm cho giá tăng và người bệnh, học sinh phải chi trả thêm. Trong bối cảnh ta đang có chủ trương miễn học phí và viện phí, việc thu thuế là không đồng bộ. Bản giải trình cho rằng đây là quy định từ luật cũ nên xin được giữ nguyên là không thuyết phục”, Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nhận định. 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị bổ sung quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đối với phần thu từ dịch vụ khám chữa bệnh mà giá chưa bao gồm đầy đủ chi phí. Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đề xuất loại trừ các khoản tài trợ, viện trợ được sử dụng đúng mục đích ra khỏi thu nhập chịu thuế doanh nghiệp.

Ghi nhận các phát biểu của các đại biểu Quốc hội về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Tài chính là cơ quan thường trực soạn thảo dự thảo Luật lưu ý để chỉnh lý làm rõ hơn quy định tính thuế với các đơn vị sự nghiệp công lập.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

   

Ý kiến của bạn: