(HTV) - Dữ liệu mới từ Liên minh châu Âu (EU) cho thấy: Tháng 2 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử, và nhiệt độ đại dương cũng tăng lên mức cao kỷ lục.
Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, nhiệt độ trung bình toàn cầu là 13,54 độ C - tăng 1,77 độ C so với thời kì tiền công nghiệp.

Rạn san hô Great Barrier Reef ở Australia bị tẩy trắng - Nguồn ảnh: BBC
Nhiệt độ bề mặt trung bình của các đại dương tăng lên 21,6 độ C. Đây là nhiệt độ cao nhất thu thập được từ năm 1979, vượt qua kỷ lục trước đó là 20,9 độ C hồi tháng 8 năm 2023.
Ông Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus cho biết, "nhiệt độ tăng tác động trực tiếp đến hệ sinh thái biển, đến nghề cá, đến tất cả những gì liên quan đến sự sống ở đại dương. Nó cũng tác động đến khí hậu và bầu khí quyển. Nhiệt độ đại dương ấm hơn khiến một số hiện tượng thời tiết trở nên cực đoan hơn".
Nhiệt độ đáng lo ngại này xảy ra trong lúc thế giới đón nhận những thông tin không mấy lạc quan về môi trường.
Đầu tuần này, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng, tình trạng tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu lần thứ tư có thể xảy ra ở Nam Bán cầu, và đây có thể là đợt tẩy trắng san hô tồi tệ nhất trong lịch sử.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9