Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

KIM KHÁNH – NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 27/5/2024, 21:06

(HTV) - Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đây là dự luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội hóa cao, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp rất rộng.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến quy định về chế độ ốm đau, thai sản đối với lao động, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội,… 

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM 

Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: "Khám thai theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới là một thai kỳ 5 lần, nhưng nên chia ra thai bình thường và thai bệnh lý. Thai bình thường thì 5 ngày, mỗi lần 1 ngày, trường hợp đặc biệt là 2 ngày do người ta phải chờ kết quả xét nghiệm và quay lại lấy kết quả. Thai bệnh lý thì nên để bác sĩ quyết định là nghỉ bao nhiêu."

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM 

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ: "Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu đánh giá bổ sung một đối tượng cần được mở rộng trong quy định của Luật Bảo hiểm xã hội đó là lao động không chọn thời gian, ví dụ như là lao động xe công nghệ.  Nếu chiếu theo điều 13 của Bộ Luật Lao động, đối tượng này về bản chất là quan hệ lao động, một bên thì góp công nghệ, một bên thì góp phương tiện hoặc góp sức lao động, nhưng dù công nghệ hay phương tiện thì đây vẫn là tư liệu sản xuất, có quản lý về thời gian, về doanh thu, có trả lương,… nên cần bổ sung đây là đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tinh thần của Nghị quyết 28."

Liên quan đến quy định mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và người quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương, đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật, người kinh doanh, người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động đóng tổng mức 25%. Báo cáo không có số liệu chứng minh rằng nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia BHXH bắt buộc hay không.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh chia sẻ: "Để làm rõ hơn vấn đề này, vừa qua tôi thực hiện cuộc khảo sát nhỏ dưới hình thức phỏng vấn sâu đối với một số đối tượng là chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng lương.

Khi được hỏi về quan điểm của họ về việc tham gia đóng BHXH bắt buộc với tỷ lệ đóng và căn cứ đóng như quy định trong dự thảo luật, có đến 70% người được hỏi trả lời là không muốn tham gia, không có nhu cầu tham gia, 30% trả lời là việc tham gia này không nên bắt buộc phải là tự nguyện.

Do vậy, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần phải tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự án luật, đảm bảo công bằng đối với các đối tượng này so với các đối tượng đóng BHXH khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp BHXH mà bỏ qua nhu cầu và nguyện vọng của các đối tượng."

Trên cơ sở cho rằng đây là Luật có đối tượng chịu tác động trực tiếp rất rộng, còn những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng, không quá vội thông qua tại kỳ họp này. 

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: