Những người lặng lẽ phía sau vinh quang của đồng nghiệp

Hằng năm, các giải báo chí từ trung ương đến địa phương rộ lên trong dịp Ngày nhà báo Việt Nam 21/6. Nhiều tác giả được tôn vinh. Ít ai biết rằng, phía sau vinh quang của những nhà báo ấy còn có sự đóng góp lặng lẽ của rất nhiều người khác...


Hằng năm, các giải thưởng báo chí tôn vinh những nhà báo trực tiếp sản xuất ra tác phẩm, ít ai nhắc đến những đóng góp thầm lặng của các bộ phận phục vụ. Trong ảnh: Lễ trao giải thưởng báo chí quốc gia.

Hiện nay, phát thanh - truyền hình hiện đại, báo chí đa phương tiện lên ngôi, những tác phẩm báo chí do 1-2 người thực hiện đã trở thành chuyện cũ. Tác phẩm báo chí hiện đại là sản phẩm tập thể. Có những tác phẩm huy động cả hàng ngàn người thực hiện như những cầu truyền hình kết nối rất nhiều điểm cầu ở khắp miền đất nước. Một tác phẩm truyền hình hoàn chỉnh đôi khi cần có sự đóng góp của hàng 100 con người, trong đó, có những vai ít được nhắc đến như những nhân viên kỹ thuật điện, người phụ trách khán giả, người lo sân khấu, tài xế lái xe, nhân viên y tế, người chịu trách nhiệm về âm thanh, ánh sáng, nhân viên bảo vệ, nhân viên hóa trang... 

Ngay cả một bài trên báo in, độc giả thường thấy 1 hoặc 2 cái tên được ký dưới tác phẩm. Nhưng thực tế, để có được tác phẩm ấy còn là công sức của những người tổ chức tuyến bài (lãnh đạo các phòng ban nghiệp vụ), những chuyên gia tư vấn, những nhà báo làm công tác tòa soạn, đọc bản thảo, phản biện, chỉ ra những chỗ hở cần sửa, biên tập câu chữ cho đúng và hay, tránh sơ sót, xử lý các chi tiết bị lỗi logic… Với loạt bài điều tra, công sức của những người đứng “đằng sau cánh gà” để tổ chức, tính toán và biên tập càng có vai trò to lớn.

Những chức danh ít được nhắc tới

Năm 2008, nhóm phóng viên Lê Kiệt - Minh Thu của Phòng Thời sự Đài PTTH Đồng Nai đã nhận được giải A báo chí quốc gia cho loạt phóng sự Bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa hành hạ trẻ em. Trước đó, nhóm tác giả này cũng nhận được nhiều bằng khen, và các giải thưởng khác: Giải nhất báo chí tỉnh Đồng Nai, Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Phóng viên Lê Kiệt được nhiều báo giới thiệu. Nhưng, ít ai biết được, nếu không có những người âm thầm ở hậu trường để tổ chức, chỉ đạo thì sẽ không có cái loạt phóng sự tạo ra hiệu ứng xã hội to lớn đó.

Đề tài của tác phẩm đoạt giải ấy bắt đầu từ lá thư của một khán giả giấu tên gửi đến Đài. Thông thường, những lá thư phản ánh, khiếu nại gửi về các cơ quan báo chí không phải cái nào cũng được Ban biên tập cử phóng viên xác minh, điều tra. Do lực lượng mỏng và do tính chất, quy mô của các vụ việc, phần lớn các đơn, thư đều được bộ phận tiếp nhận sao chuyển cho các cơ quan chức năng. 

Khi đọc lá đơn phản ánh nạn bạo hành trẻ em ở điểm giữ trẻ tư nhân của bà Quảng Thị Kim Hoa tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, nhà báo Hoàng Minh - Trưởng phòng Thời sự ĐN-RTV lúc ấy nhận định rằng đây là vụ việc cá biệt nhưng khá tiêu biểu cho một thực trạng. Anh suy nghĩ và quyết định chọn 2 phóng viên Minh Thu, Lê Kiệt. Đây là 2 phóng viên trẻ, năng động và có một điểm chung: cả hai đều có con còn rất nhỏ. 

Minh Thu là nữ biên tập viên (BTV) viết về giáo dục, am hiểu các vấn đề quản lý khối giáo dục mầm non. Lê Kiệt là phóng viên năng động trong tìm tòi góc máy, ghi âm, ghi hình. Và đoạn băng ghi được cảnh bạo hành - sau nhiều lần đặt máy, “canh me” từ bệnh viện cán bộ Đồng Nai chĩa qua khu nhà bà Kim Hoa - đã thành công ngoài mong đợi.

Không chỉ mẫn cảm với đề tài phóng sự từ một lá thư khán giả, trong quá trình thực hiện phóng sự, anh Hoàng Minh còn trực tiếp tổ chức xử lý hình ảnh, tính toán cân nhắc để tạo ra hiệu quả cao. Cụ thể là anh đã vạch ra một kế hoạch cho các bước đi, không cho phát sóng ngay khi nhóm thực hiện đã hoàn tất vì những lý do: Đảm bảo an toàn cho nhân chứng đã dũng cảm phát biểu trong phóng sự, vì cụ già này sáng 15/1/2008 mới xuất viện; Phóng sự sẽ được phát trên sóng truyền hình quốc gia; Mời báo in vào cuộc để tăng hiệu quả dư luận; Làm việc với công an địa phương để xử lý vụ việc đồng thời… 

Khi tác phẩm thành công và được giải cao, người ta thấy báo chí nhắc đến các tác giả trực tiếp. Câu chuyện từ phóng sự được giải cao này cho thấy, đằng sau những tác phẩm báo chí được giải, còn có nhiều nhà báo âm thầm đóng góp, và sự đóng góp của họ có ý nghĩa quyết định cho sự thành công. Nhưng vinh quang thường không thuộc về họ…

Vai trò không nhỏ nhưng tên tuổi lu mờ

Trong các sản phẩm báo chí lớn như bài long-form, tác phẩm truyền hình, đội ngũ làm hậu kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng, họ như là người sáng tạo tác phẩm lần thứ 2. Thế nhưng, đôi lúc đôi chỗ, công việc của họa sĩ thiết kế, kỹ thuật viên (KTV) dựng phim… chỉ được xem như việc bếp núc. 


Công việc của KTV dựng phim cũng rất áp lực. Trong ảnh: Anh Nguyễn Hồng Kỳ, KTV dựng của HTV đang dựng tác phẩm cho kịp giờ phát sóng 

Thực tế, dựng phim là sự chọn lọc, sắp xếp, định thời gian, trình bày cho tác phẩm truyền hình. Trong quá trình chọn lọc hình ảnh, âm thanh phải giàu thông tin, chất lượng kỹ thuật của hình ảnh đảm bảo, trường đoạn hấp dẫn, phỏng vấn hiệu quả; sắp xếp theo trình tự logic, mở hấp dẫn, thân mạch lạc, kết ấn tượng; định thời gian sao cho nhịp và tiết tấu của câu chuyện, sự phối hợp giữa hình ảnh và âm thanh…; trình bày sao cho hiệu quả về mặt nghệ thuật của hình ảnh (không nhảy hình), tiếng và hình không đối chọi nhau, có các khoảng ngưng để người xem hiểu và xử lý thông tin… Có thể nói, người KTV dựng phim là một nghệ sĩ sáng tạo. Tất nhiên, họ sáng tạo trên cơ sở kịch bản, chỉ đạo của BTV, đạo diễn. Nhưng không thể xem thường vai trò của họ. 

Anh Nguyễn Hồng Kỳ, KTV dựng phim của HTV tâm sự: “Người dựng là người khán giả đầu tiên của tác phẩm, phát hiện những sơ sót và báo liền cho BTV biết để xử lý. Trong quá trình dựng hình, có những lúc xảy ra mâu thuẫn với BTV, mình cứ tranh luận thoải mái. Bởi tranh luận nhằm để đưa ra cái hay nhất, tốt nhất, đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, KTV dựng cũng nên biết rằng BTV là người quyết định chứ không phải là KTV dựng”. 


KTV Nguyệt Quế cho rằng: “Người làm công việc dựng phim phải luôn sáng tạo, cập nhật nhanh công nghệ. Và họ cũng không ngừng học hỏi để tiếp cận với thông tin cuộc sống. 

Chị Nguyệt Quế, KTV dựng phim trẻ của HTV tâm sự: “Công việc này không giới hạn nam hay nữ, nó chỉ giới hạn ai sáng tạo hơn ai thôi, và cần có sự kiên trì nữa. Công việc này tỉ mẩn lắm. Nhiều khi tôi cũng thấy đuối vì có những chương trình dài, hoặc áp lực về deadline phát sóng khiến mình mệt mỏi. Nhưng thực ra, mỗi lúc làm chương trình, tôi lại làm một đề tài khác nhau nên mặc dù ngồi một chỗ nhưng mình lại học được nhiều thứ”. 

Công việc của những người sáng tạo ấy vẫn lặng thầm sau cánh gà sân khấu vinh danh những thành công của nghề báo. Nhân dịp ngày nhà báo cách mạng Việt Nam 21/6, bài viết này muốn được nhắc tới họ như một sự tri ân!
Phú Trang - Ngọc Trân