Những ngôi Đình cổ ở TP.Hồ Chí Minh: Đình Bình Đông (Phần 2)

Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đình Bình Đông là địa điểm hoạt động Công hội bí mật Sài Gòn – tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Nhà văn Sơn Nam từng nói “Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể”. Cho nên “lập làng ở đâu dựng đình ở đó” là nét văn hóa tâm linh đặc trưng của những con dân đất Việt.

Trong tâm thức văn hóa người Việt, đình làng chính là nơi lưu giữ hồn quê, là nơi hội tụ của cộng đồng làng xã, và những nét văn hoá cổ truyền của người Việt thông qua các hình thức tín ngưỡng, lễ hội, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Được hình thành, phát triển  trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” trở thành linh hồn của làng quê Việt Nam.

Đình làng ở Nam Bộ nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có thể không sánh với đình làng ở các tỉnh phía Bắc về giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội nhưng vẫn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử rất riêng và quan trọng hơn nó còn là chứng tích đối với chặng đường khai dân, lập ấp, và phát triển của vùng đất phương Nam, của tiến trình mở mang, giữ gìn bờ cõi. 

Bàn thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong Nhà tưởng niệm

Với mỗi làng quê, ngôi đình được xem là "địa chỉ đỏ" của mỗi người dân, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng. Giá trị về mặt tâm linh của các ngôi đình càng trở nên linh thiêng, trang trọng nhưng rất đỗi gần gũi, nhất là khi mỗi ngôi đình lại chứa đựng những câu chuyện của riêng mình.

Cũng như các ngôi đình trong cả nước, những ngôi đình cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi “tụ binh dấy nghĩa”, là nơi hội họp, bàn thảo kế sách kháng chiến của những người cách mạng, là nơi ghi lại dấu ấn của nhân dân đứng lên giành chính quyền, trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Không chỉ là những giá trị văn hóa, đình Bình Đong còn chứa đựng những giá trị lịch sử vô giá, gắn liền với tiến trình bảo vệ bờ cõi của dân tộc, của công cuộc đấu tranh giữ nước của người Sài Gòn – Gia Định. Tại đây, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng  từ hải ngoại trở về Sài Gòn và bí mật thành lập Công hội đỏ phát triển mạnh trong đội ngũ công nhân nhằm đoàn kết chống tư bản đế quốc. 

Lúc này ông Ka Hiêm là hội viên đình Bình Đông đã có sáng kiến sử dụng ngôi đình làm cơ sở của Công hội đỏ. Năm 1925, trên cương vị là lãnh đạo tổ Công hội đỏ thuộc Nhà đèn Chợ Quán, ông Ka Hiêm tổ chức nhiều cuộc họp tại đình và các tài liệu đều được cất giấu dưới khám thờ.

Đình Bình Đông là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia

Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.

Theo nhiều tài liệu còn lưu trữ, trong thời gian từ năm 1925-1928, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đến Đình Bình Đông để dự, tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Công hội. Tại đây, Bác Tôn đã thuyết giảng về Chủ nghĩa Mác, lòng yêu nước cho các công nhân nòng cốt của Hội.Nhờ vào địa thế của Đình nằm ở một cù lao khá hoang vắng, nổi tiếng linh thiêng nên lính Pháp rất e ngại, không dám đến gần. Vì thế, trong khoảng thời gian 3 năm này, ngay tại Đình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Công hội mà không bị địch phát hiện. Hơn thế nữa, các mật thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ nước ngoài về và các sách báo tuyên truyền cho Chủ nghĩa Marx cũng đều được cất giấu rất an toàn ngay chính tại chánh điện của Đình Bình Đông.

Vào những năm 1926-1927, Công hội tại Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Khi Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân.

Với chức trách được giao, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đình Bình Đông tiếp tục là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành và cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chánh quận 7 của chế độ cũ năm 1968.

Bình phong

Để tưởng niệm thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại thành phố Sài Gòn xưa, một số hình ảnh và kỷ vật của Người đã được sưu tầm và trưng bày tại nhà truyền thống nằm trong khuôn viên đình Bình Đông. Bên trong Nhà tưởng niệm là bàn thờ và di ảnh Bác Tôn được đặt trang trọng, ngoài ra còn trưng bày các hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Trước khu Nhà tưởng niệm còn đặt tượng bán thân Bác Tôn bằng đồng tôn nghiêm.

Từ khi Nhà tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng (năm 1991), người dân càng thêm tự hào hơn, thường xuyên đến đình thắp hương, tưởng nhớ đến cống hiến của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với Cách mạng Việt Nam và thế giới. Qua những tư liệu quý giá này, thế hệ hôm nay hiểu hơn về công ơn của Bác Tôn đối với đất nước và càng tôn kính Bác vì những đóng góp của Người trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Đình Bình Đông được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Một ngôi đình thờ thần và cũng là một cái nôi cách mạng. Với ý nghĩa đó, những giá trị văn hóa lịch sử của Đình Bình Đông sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng, sẽ được bảo tồn, truyền đạt và phát huy cho thế hệ hôm nay và mai sau về nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của lớp lớp cha, ông đã quên mình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đình Bình Đông được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của một vùng đất phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh vẫn được lưu giữ  nguyên vẹn ở đây.

Văn Nguyễn