Ký ức Sài Gòn

Nghệ sĩ Ái Như: Nâng niu nghệ thuật bằng tấm lòng

Nghệ sĩ Ái Như là người tâm huyết với sân khấu. Cho dù ở vai trò đạo diễn hay đứng dưới ánh đèn biểu diễn, cô đều dành cả tấm lòng tạo nên một tác phẩm chất lượng để gửi đến khán giả.

Nghệ sĩ Ái Như nhận được tình cảm của khán giả dù ở vai trò đạo diễn hay diễn viên

Quê hương thứ hai

Nhắc đến ký ức Sài Gòn, nghệ sĩ Ái Như nhớ nhất là những cơn mưa ở thập niên 70. Khi ấy, cô chỉ là cô bé người Huế 11 tuổi mới chập chững bước chân đến vùng đất này. 

Ái Như tâm sự: “Ngày đó, Sài Gòn rất nóng nên khi cơn mưa ào xuống sẽ làm xóa tan bầu không khí oi bức và tỏa lên mùi hơi đất nồng. Điều này tôi chưa từng cảm nhận được ở nơi khác. Những năm học trung học, tôi cùng cô bạn thân rất thích đạp xe dưới trời mưa. Tôi nhớ những cơn mưa ngày trước nhẹ, không kéo dài, không gây ra cảnh tượng ngập lục như bây giờ, chỉ vừa đủ làm rơi những lá me trên cành. Thậm chí, khi tan học, chúng tôi chẳng cần mặc áo mưa, cứ thế đội mưa về nhà mà chẳng hề bị bệnh”.

Nghệ sĩ Ái Như sinh ra ở Huế, vào Sài Gòn năm 11 tuổi và đã gắn bó 48 năm. Khi chuyển vào đây, cô nói bản thân luôn lạc lõng bởi nhịp sống của người dân, xe cộ chạy ngược xuôi tấp nập. Tuy vậy, người Sài Gòn luôn nồng ấm, cởi mở và chân thành nên nghệ sĩ Ái Như dần cảm thấy ấm áp và được đón nhận. Trải qua 48 năm, bên cạnh Huế, cô nói mình còn có một quê hương thứ hai - đó chính là Sài Gòn.

Bên cạnh Huế, nghệ sĩ Ái Như xem Sài Gòn là quê hương thứ hai 

Chia sẻ về giai đoạn tuổi thơ của mình ở Sài Gòn, nghệ sĩ Ái Như kể: “Tôi đặt chân đến đây vào những năm đầy biến động. Năm 1972, trong ký ức người Sài Gòn có lẽ không thể quên đó là thời gian đỏ lửa của miền Trung, và tôi đến nơi này để có được cảm giác bớt lo lắng, đỡ phải nghe tiếng đại bác xa xa vào mỗi đêm. Sài Gòn lúc đó không hẳn là bình yên, nhưng chúng tôi an tâm hơn, và ở vùng đất mới này, bản thân cảm thấy trưởng thành hơn”. 

Con đường đến với nghệ thuật

Năm 1979, sau khi trượt đại học, cô tiếp tục ôn luyện để sang năm thi lại. Trong một ngày mưa, nữ nghệ sĩ nhìn thấy thông báo tuyển sinh khi trú mưa tại Nghệ thuật Sân khấu 2, bỗng dưng cô nghĩ vì sao lại không đăng ký thi thử. Và may mắn đã mỉm cười với Ái Như, cô đậu vào khoa diễn viên, nhưng sau đó chỉ theo được một học kỳ duy nhất. Đến năm 1987, cơ duyên đã đưa cô trở lại trường Nghệ thuật Sân khấu 2 theo học khoa đạo diễn. Từ năm đó đến thời điểm hiện tại, nữ nghệ sĩ đã dành toàn tâm cho sân khấu. 

Nghệ sĩ Ái Như tâm sự: “Tôi nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật bằng sự khát khao và nhung nhớ. Những năm ấy, đáng lẽ tôi phải làm hồ sơ xuất cảnh để toàn tụ gia đình, nhưng tôi không muốn đi. Sau khi lập gia đình, tôi gần như bị phong tỏa kinh tế vì cha mẹ không muốn con gái ở lại. Thời gian này, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn. 

Sau khi học được một năm khoa diễn viên tại trường Nghệ thuật Sân khấu 2, Ái Như tạm ngưng và sau đó trở lại trường để học khoa đạo diễn

Với đồng lương ít ỏi của chồng, tôi đi bán thuốc lá ở một góc đường nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, tôi xin đi làm xí nghiệp may bởi họ đang cần những cán bộ văn hóa quần chúng. Ở đây, tôi như “cá gặp nước” nên làm cho phong trào văn nghệ của công ty rất phát triển. Tôi bắt đầu diễn kịch từ đó.

Sau này chính nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt đã đến trường Nghệ thuật Sân khấu 2 mua đơn dự thi để tặng tôi và động viên hãy thử một lần nữa. Nhờ sự ủng hộ của anh ấy cùng chồng, tôi đã gan lì đi thi”.

Thời gian trở lại trường học, Ái Như tham gia Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm. Hầu như mọi người đều nghĩ cô đã học xong khoa diễn viên và hiện tại đang học thêm khoa đạo diễn nên mời tham gia trong các vở diễn tốt nghiệp. Năm 1987, tại đây, Ái Như tham gia vở đầu tiên mang tên Sân ga tình người. 

Ái Như nhớ lại khi góp mặt biểu diễn tại Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm, bản thân đã ngoài 26 tuổi, con cũng được 4 tuổi, nhưng lúc đó hầu hết các vai diễn của nữ nghệ sĩ đều là trẻ con. Thông qua những vai diễn này, khán giả gần như nhớ đến cô với hình ảnh ngây ngô, đáng yêu.

Nghệ sĩ Ái Như có thể hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau

Cho dù là trước đó hay sau khi tốt nghiệp đạo diễn, Ái Như nói mình chỉ là gương mặt chuyên đóng thế. Điều này từng khiến cô cảm thấy buồn và chạnh lòng. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Hầu như khi có vai diễn trẻ con, họ nghĩ đến tôi, nhưng với những vai diễn khác thì không. Đến lúc diễn viên chính không thể nhận vai, tôi mới được người ta nghĩ đến bởi mình có thể diễn ngay. Tôi luôn khát khao được đứng dưới ánh đèn sân khấu biểu diễn chính thức chứ không phải là “tạm bợ” trong vai trò thế thân”.

Cơ duyên thành đạo diễn

Ngày trước, Ái Như lựa chọn thi vào khoa đạo diễn bởi cô nghĩ ở độ tuổi 26, bản thân không còn thích hợp để học diễn viên. Cho đến thời điểm hiện tại, mọi người gần như chỉ nhớ đến cô ở vai trò đạo diễn nhiều hơn là việc đứng trên sân khấu biểu diễn.

Tác phẩm đầu tiên của Ái Như là Khúc nhạc lòng của vị mục sư, khi đó cô cùng NSƯT Thành Hội chắp bút từ cuốn nhật ký Hòa âm điền dã của tác giả  André Gide. Cô cũng đã dựng vở tốt nghiệp khoa đạo diễn bằng vở diễn này. 

Sau này, khi đạo diễn Ái Như dựng vở mới, cô không dám phân vai cho chính mình. Bởi cô muốn làm tốt vai trò của người đạo diễn để mang đến vở diễn chất lượng cho người xem. Nhưng sau khi có sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, khán giả lại mong muốn xem Ái Như diễn xuất nên cô “bạo gan” phân vai cho bản thân. 

Cô bộc bạch: “Khi tôi là nhân vật trong một câu chuyện, tôi mong được sống, được thăng hoa cảm xúc. Vì vậy, bên cạnh công việc đạo diễn, tôi vẫn muốn làm một người diễn viên dưới ánh đèn”.

Đối với nữ nghệ sĩ, nghệ thuật cần nâng niu bằng cả tấm lòng

Nhắc về việc ra đời sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như cho biết, đã nhiều lần từ chối việc hợp tác mở sân khấu. Nhưng sau đó, cô tiếp tục nhận được lời mời từ một người bạn cùng đề nghị thương hiệu thuộc về mình nên cảm thấy hứng khởi. Cho nên, cô, NSƯT Thành Hội và người bạn này đã cùng nhau mở sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. 

Không ít người thắc mắc, logo của sân khấu kịch có hình cánh chuồn chuồn. Nghệ sĩ Ái Như chia sẻ: “Cánh chuồn chuồn chỉ là chữ T, nhưng thay vì viết chữ, chúng tôi đổi bằng vẽ. Thật ra, chữ T trong logo còn tượng trưng cho các từ “Tâm - Tình”. Những tâm tình mà sân khấu Hoàng Thái Thanh gửi đến khán giả giống như đôi cánh chuồn chuồn mà chúng tôi nâng niu. Ngoài ra, nếu như nhìn cánh chuồn dưới nắng ánh, mọi người sẽ thấy màu xà cứ lấp lánh, và chúng tôi coi như nghệ thuật lấp lánh như thế. Chúng tôi nâng niu nghệ thuật bằng tất cả tấm lòng”.

Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng vào lúc 10g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Thanh An