(HTV) - Trong chưa đầy 3 tuần sau khi Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ra đời, Quốc hội và Chính phủ đều đã ban hành các Nghị quyết để thể chế hóa và triển khai.
Nhiều chính sách, cơ chế đặc biệt, hứa hẹn tạo sức bật mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân, song điểm mấu chốt là ở khâu thực thi, không để lỡ mất “thời gian vàng”, tránh lặp lại một số trường hợp trong quá khứ là Nghị quyết hay nhưng khó đi vào cuộc sống.

Nghị quyết 198 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân gồm 7 chương, thể hiện rõ các nhóm giải pháp: Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách mối quan hệ kinh tế. Một trong số đó, ấn tượng ở cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.
Nghị quyết 68: Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh
Để triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân với tinh thần “6 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".

Tinh thần "6 rõ" cho thấy một quyết tâm rất cao từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ
PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM nhận định: “Tinh thần này cho thấy một quyết tâm rất cao từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ. Qua đó, yêu cầu hệ thống từ Quốc hội cho đến các bộ, ngành phải bảo đảm tính khả thi cao khi mà đưa Nghị quyết này vào áp dụng trong cuộc sống; đảm bảo sự hiểu thống nhất về nội dung giữa các cơ quan thực thi pháp luật từ cấp trung ương cho đến địa phương. Đặc biệt là sự hiểu của đối tượng mà chịu tác động đó là kinh tế tư nhân, đó là doanh nghiệp”.
.webp)

Tinh thần xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện đột phá cũng đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Doanh nghiệp kỳ vọng đột phá từ Nghị quyết 68

Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 198 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân có nhiều chính sách vượt trội.
Ở chương 5, Nghị quyết 198 của Quốc hội thể hiện quyết tâm cao, đó là Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào dự án trọng điểm có ý nghĩa với phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đấu thầu trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân). Ngoài ra, người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế, hoặc chỉ định thầu đối với những lĩnh vực chiến lược, những dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng của quốc gia.


Nghị quyết 198 đã giúp mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào dự án trọng điểm có ý nghĩa với phát triển kinh tế - xã hội
Trả lời câu hỏi là có đủ hấp dẫn, đủ tính khai phá, đủ tạo sức bật này phát triển không? PGS.TS Lê Hoài Quốc cho rằng, với những tinh thần trong Nghị quyết 68, Nghị quyết 98 thể hiện ý chí quyết tâm rất cao của cấp lãnh đạo, nhưng một mặt nữa nhưng vẫn những thách thức cần phải quan tâm. Đó là, thông thường, sau khi có Nghị quyết, các cơ quan lập pháp sẽ phải thảo luận xây dựng thành những điều luật, quy định - vai trò của Quốc hội. Sau đó, Chính phủ ra nghị định. Dựa trên nghị định, các bộ ngành bắt đầu xây dựng thông tư, các thông tư đó mới đưa xuống các tỉnh, thành áp dụng. Trước đây, quá trình này chiếm nhiều thời gian, do đó điều quan trọng lúc này là làm sao phải rút ngắn thời gian này, không để lỡ mất “thời gian vàng”.
Vì sao trong quá khứ: Nghị quyết hay nhưng khó đưa vào cuộc sống?

TP.HCM là đầu tàu kinh tế, sắp tới tiến hành sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương tạo thành siêu đô thị và đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước. Sứ mệnh đảm đương đã lớn, nay lại càng lớn hơn. Do đó, việc triển khai Nghị quyết đặc biệt này cần phải nhanh, “đi trước đón đầu”. Trước hết là sớm quán triệt tinh thần Nghị quyết các cấp thực thi, đến các sở, ngành, đến các đơn vị có liên quan. Sau đó là vận dụng những ưu thế sẵn có của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu - ba địa phương có rất nhiều lợi thế, làm sao phối hợp một cách hài hòa và đồng bộ.


Việc triển khai Nghị quyết đặc biệt này cần phải nhanh, “đi trước đón đầu”
Tin tưởng và động viên doanh nghiệp
Việt Nam đang có bước đổi mới, cải cách quan trọng, trong đó tập trung vào 4 đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Chúng ta đặt niềm tin vào những bước đột phá mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời gian tới như chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Đến thời điểm hiện nay có thể gọi 4 Nghị quyết trên là "Bộ tứ trụ cột" để giúp chúng ta cất cánh".
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9