LongFORM: Ông Trump hoãn áp thuế 50% với hàng hóa EU thêm một tháng

NHƯ ANH - KIM NGÂN - HÀ THẢO - QUỐC KHANH - ĐỨC VINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/5/2025, 06:00

(HTV) - Sau thời gian tạm lắng để nhường chỗ cho đàm phán thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu lên tới 50% với Liên minh châu Âu bắt đầu từ ngày 1/6. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, quyết định này được hoãn tới ngày 9/7.

Ngày 25/5, theo hãng AFP, sau cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông sẽ tạm hoãn việc áp mức thuế 50% đối với Liên minh châu Âu cho đến ngày 9/7.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen có cuộc điện đàm ngày 25/05/2025 dẫn tới quyết định hoãn áp thuế 50% lên EU. Nguồn ảnh: AFP

Trước đó 2 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế 50% với hàng hóa từ EU từ ngày 1/6. Mức thuế này cao gấp 2,5 lần so với mức thuế đối ứng 20% mà ông Trump áp lên EU hồi tháng 4, trước khi tạm dừng để tiến hành đàm phán.

"EU rất khó đàm phán và các cuộc thảo luận đang chẳng đi đến đâu. Tôi không tìm kiếm một thỏa thuận, mà tự đặt ra thỏa thuận. Đó là mức thuế 50%. Nhưng tôi nhắc lại, con số này sẽ bằng 0 nếu họ xây dựng nhà máy sản xuất ở Mỹ,” Tổng thống Mỹ cho biết.

Chỉ số chứng khoán châu Âu giảm sâu trong ngày 23/05. Nguồn ảnh: Reuters

Chỉ số chứng khoán châu Âu hồi phục ngày 26/05 sau tuyên bố hoãn thuế của ông Trump. Nguồn ảnh: Reuters

Sau thông báo của ông Trump, các chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ và châu Âu đều đi xuống. Đồng USD mất giá so với các đồng tiền lớn khác. Mức tăng của đồng Euro cũng thu hẹp lại.

Quan chức EU và lãnh đạo các nước châu Âu kêu gọi Washington thể hiện sự tôn trọng trong đàm phán thương mại, thay vì dọa áp thuế mới.

Ba Lan - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - cho rằng đe dọa áp thuế có thể là một chiến thuật đàm phán.

EU hiện chịu thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ với thép, nhôm và xe hơi. Hầu hết mặt hàng khác chịu thuế 10%, và dự kiến tăng lên 20% sau khi thời hạn tạm hoãn 90 ngày kết thúc vào 8/7.

Michal Baranowski, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ba Lan cho biết đe dọa áp thuế của Mỹ có thể là một chiến thuật đàm phán. Nguồn ảnh: Reuters

Không giống như châu Á - khu vực chủ yếu cung cấp sản phẩm tiêu dùng, châu Âu đóng vai trò là nhà cung ứng công nghệ và thiết bị then chốt cho các ngành công nghiệp Mỹ. Do đó, mức thuế mới đối với hàng hóa EU, nếu được thực thi, có thể khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và tạo áp lực lớn lên các nhà sản xuất trong nước.

Nguồn tin của Reuters cho biết, tuần qua, Washington đã gửi Brussels danh sách yêu cầu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hóa, bao gồm: bỏ rào cản phi thuế quan, chấp nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ và dỡ bỏ thuế dịch vụ số.

Đáp lại, EU đề xuất một thỏa thuận, trong đó cả hai phía cùng đưa thuế với sản phẩm công nghiệp về 0, châu Âu tăng mua khí hóa lỏng và đậu nành từ Mỹ.

Bài đăng cảm ơn quyết định hoãn thuế của Tổng thống Mỹ từ tài khoản X của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, ngày 25/05/2025. Nguồn ảnh: Reuters

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU lên tới gần 200 tỷ Euro (tương đương 226,5 tỷ USD) vào năm 2024. Tuy nhiên, Mỹ lại có thặng dư lớn với EU trong lĩnh vực dịch vụ.

Nhiều thập kỷ qua, Apple đã đầu tư hàng chục tỷ USD để xây dựng hệ sinh thái sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc.

Đầu tháng 5 này, Apple cho biết, thuế quan dự kiến làm tăng chi phí khoảng 900 triệu USD trong quý II/2025 và phần lớn iPhone bán tại Mỹ trong giai đoạn này sẽ được sản xuất tại Ấn Độ.

Giới phân tích lo ngại, việc tăng giá iPhone có thể khiến hãng mất thị phần, đặc biệt khi các đối thủ như Samsung cố gắng thu hút người tiêu dùng bằng những tính năng AI mà Apple đang chưa theo kịp.

Apple cho biết tăng thuế sẽ làm tăng chi phí khoảng 900 triệu USD trong quý II/2025. Nguồn ảnh: Reuters

Theo Wall Street Journal, Apple đang xem xét điều chỉnh giá bán của thế hệ Iphone 17 sẽ ra mắt vào tháng 9 tới.

Các chuyên gia tại công ty tư vấn tài chính Wedbush (Mỹ) ước tính chi phí cho một chiếc iPhone "made in America" là khoảng 3.500 USD. Trong khi đó, iPhone 16 Pro hiện được bán lẻ với giá khoảng 1.000 USD.

Ngoài Apple, ông Trump cũng mở rộng cảnh báo đối với toàn bộ các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác, trong đó có Samsung. Tổng thống Mỹ cho biết thêm rằng các biện pháp thuế quan mới có thể có hiệu lực từ cuối tháng 6.

Nước Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, được công bố ngày 8/5. Theo đó, Mỹ sẽ hủy bỏ thuế quan với thép và nhôm xuất khẩu của Anh và cấp hạn ngạch thuế quan 10% (giảm từ mức 27,5%) cho 100.000 xe hơi nhập khẩu từ Anh mỗi năm. Đổi lại, nước Anh sẽ hủy thuế với mặt hàng ethanol của Mỹ, đồng thời chấp nhận quyền tiếp cận thị trường đối ứng với thịt bò.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer đạt được thỏa thuận thương mại song phương ngày 8/5. Nguồn ảnh: Reuters

Đến ngày 12/5, sau vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm căng thẳng thương mại. 90 ngày “đình chiến” thương mại Mỹ - Trung, bắt đầu hôm 14/5.

Trong khoảng thời gian này, Mỹ áp thuế 30% lên hàng Trung Quốc - gồm thuế đối ứng 10% và thuế liên quan đến vấn đề fentanyl 20%. Về phần mình, Trung Quốc đánh thuế đối ứng 10% đối với hàng Mỹ.

Việc gia hạn sẽ tùy thuộc vào những cuộc đàm phán thương mại rộng lớn hơn giữa hai nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết Mỹ-Trung đã đạt được thỏa thuận 90 ngày “đình chiến” thương mại kể từ ngày 14/5. Nguồn ảnh: CNN

Trong tuần qua, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Phi đều đẩy mạnh đàm phán để tránh nguy cơ đối mặt với các mức thuế cao sau khi lệnh hoãn 90 ngày hết hạn.

Tại Mỹ Latinh, nơi các nền kinh tế đang phát triển muốn bảo vệ cả đầu tư của Trung Quốc và quyền tiếp cận xuất khẩu vào thị trường Mỹ, các nhà lãnh đạo đang cố gắng đi theo con đường thận trọng khi hai siêu cường kinh tế này đối đầu.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra tại Canada từ ngày 20-22/5. Nước chủ nhà Canada khẳng định đang tìm kiếm một giải pháp để Mỹ xóa bỏ mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại cởi mở và tôn trọng lẫn nhau trong xử lý bất đồng thương mại.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng nhóm G7 tại cuộc họp diễn ra ở Banff, Alberta, Canada, ngày 21/05/2025. Nguồn ảnh: Reuters

Trong bối cảnh hiện nay, khó có thể suy đoán về diễn biến tiếp theo vì mọi khả năng đều có thể xảy ra, từ việc đạt được thỏa thuận cho đến leo thang căng thẳng thêm nữa. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng "quả bóng đang trong sân Washington" và vẫn có nhiều lý do để ông Trump cân nhắc xuống thang.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: