Theo dấu thành lũy cụ Phan

Kỳ 3: Truyền thuyết ly kỳ về phần mộ cụ Phan

Theo sử sách, thi hài cụ Phan đã bị thực dân Pháp trộn với thuốc súng bắn xuống dòng sông La để thị uy, nhưng người dân và sĩ phu Nghệ -Tĩnh vẫn vững tin rằng, đâu đó trên sông núi quê hương, ngôi mộ của cụ Phan vẫn còn nhưng chưa xác định được vị trí…

Mộ cụ Phan Đình Phùng

Tạm biệt làng Đông Thái, chúng tôi ngược quốc lộ 8A đến thăm Khu mộ Phan Đình Phùng. Mộ cụ Phan tọa lạc trên một quả đồi hình chóp nón, nằm sát cạnh quốc lộ 8A. Cách mộ cụ Phan về phía Bắc non hai cây số là Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, và cách hai cây số về phía Tây Nam là chùa Am. Ba di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia này tọa lạc trên ba quả đồi gần nhau, và trên bản đồ du lịch của Đức Thọ đến nay chúng vẫn đang ở dạng tiềm năng.

Trong quần thể di tích Khu mộ cụ Phan được tôn tạo năm 2006, ngoài phần mộ cụ còn có mộ của ông bà nội nằm ở phía trên bên phải và một ngôi mộ chếch về hướng đông không có văn bia.

 Khu tưởng nệm Phan Đình Phùng và Nghĩa quân ở Vũ Quang

Nâng nhẹ bước chân trên những bậc tam cấp màu xám bạc, mỗi bước chân đi lòng thêm trĩu nặng như lời thơ cụ để lại trước lúc lâm chung: Việc quân vâng mệnh trải mười đông/ Chiến sự nay còn tính chửa xong!.. Tuy sự nghiệp chưa hoàn thành, nhưng tấm lòng son yêu nước thương nòi của người anh hùng vẫn rì rầm hòa quyện vào dòng chảy hào hùng của lịch sử dân tộc đến tận hôm nay. 

Dừng chân bên văn bia ghi công “Nhà đại ái quốc”, tôi lục tìm lại những truyền thuyết ly kỳ về cuộc đời và số phận của một nhà chí sĩ yêu nước.

Từ lâu trong làng quê Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (quê hương Phan Đình Phùng) vẫn lưu truyền câu chuyện về bí mật mộ cụ Phan, tiết lộ một sự thực khác hẳn so với những thông tin mà sách vở cung cấp. Những chuyến điền dã của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá đã cho thấy những nhận thức mới mẻ về cuộc khởi nghĩa, về các tướng lĩnh nghĩa quân. Nhiều giả thiết cho rằng, các tướng lĩnh và người thân đã đánh tráo thi hài Phan Đình Phùng khi lâm chung, âm thầm đưa về quê an táng. Tuy nhiên, do thời gian qua lâu ngày nên đến nay vẫn chưa xác định chính xác vị trí của ngôi mộ.

Tượng đài Phan Đình Phùng và nghĩa quân ở thị trấn Vũ Quang

Theo nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, nhân dân Tùng Ảnh và nhiều vùng khác xung quanh từ lâu vẫn cho rằng, Nguyễn Thân đã bị một vố đau khi mà cái xác mà hắn huỷ hoại không phải là xác cụ Phan Đình Phùng, còn thi hài cụ được người dân Đông Thái, Tùng Ảnh đang đêm lẻn đến đánh tráo được về chôn ở rú Son (Châu Phong) thuộc địa phận của xã Tùng Ảnh. Hiện nay ngôi mộ ấy vẫn còn…

Tuy nhiên, vì các nhân chứng đã qua đời quá lâu, nên cho đến nay, tung tích của ngôi mộ vẫn đang bao bọc trong một làn sương khói huyền ảo. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những sử sách trước đây chỉ dựa vào tài liệu do thực dân Pháp cung cấp, nên bao giờ cũng chỉ cung cấp những thông tin có lợi cho họ. Còn theo những tài liệu của Giáo sư Lê Thước (1891 - 1976) quê ở làng Trung Lễ là cháu cụ Phan Đình Phùng cũng không hề nói đến chi tiết xác cụ Phan bị hoả thiêu, do đó khả năng mộ cụ Phan còn là rất lớn.

Làng Đông Thái - quê hương Phan Đình Phùng hôm nay

Tài liệu “Hà Tĩnh Ất Dậu ký”, sử liệu chép tay bằng chữ quốc ngữ của dòng họ Lê ở Trung Lễ do Giáo sư Phan Quang mới sưu tầm được, có độ tin cậy cao cũng không thấy nói đến chi tiết thi hài cụ Phan bị hoả thiêu. 

Có ý kiến cho rằng, việc tung tin xác cụ Phan đã bị hoả thiêu để gia tộc cụ được yên ổn là chủ ý của Hoàng Cao Khải, con người có những mối quan hệ thân thiết và vốn có lòng kính trọng cụ Phan. Phải chăng, nghĩa quân đã lập kế “ve sầu thoát xác” và người nghĩa quân khai ra ngôi mộ kia chỉ giả vờ bị bắt mà thôi.

Nhân dân cho rằng, người nghĩa sĩ kia tên là Cố Nhàn quê ở Hương Thọ, Hương Khê (nay thuộc huyện Vũ Quang), một người mưu trí, cam đảm, đã đảm nhận trọng trách trá hàng theo “khổ nhục kế” của Hoàng Cái thời Tam quốc để dẫn kẻ thù đi đào một ngôi mộ khác.

Lúc ấy, những tướng lĩnh tài ba, đầy mưu trí và tuyệt đối trung thành như Nguyễn Mục, Nguyễn Quýnh (Tán Quýnh), Nguyễn Khai, Cao Đạt… chắc chắn đã có sự chuẩn bị chu đáo, không thể để cho kẻ thù tìm được mộ một cách dễ dàng như vậy. Núi Quạt là vùng núi cao hiểm trở, nghĩa quân có nhiều người hi sinh, việc lập kế càng dễ dàng.

Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, dù sao Nguyễn Thân cũng là một nhà nho, từng học qua đạo lí thánh hiền và vẫn kiêng nể uy danh Phan Đình Phùng (khi kéo quân ra đàn áp nghĩa quân, trong nửa năm, Nguyễn Thân không hề triển khai một trận giao chiến trực diện nào) và chắc hẳn còn chưa quên hết đạo nghĩa, nên dù biết thi hài tìm được không phải là của Phan Đình Phùng, Nguyễn Thân cứ giả vờ như không biết, vẫn tổ chức thiêu huỷ để làm vừa ý quan thầy, coi như giữ lại một chút âm đức về sau.   

Một sử liệu khá nổi tiếng là cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim cũng cung cấp một thông tin khá phù hợp với những truyền thuyết dân gian. Theo đó, Trần Trọng Kim viết: “Ông Phan Đình Phùng lúc bấy giờ tuổi đã già, mà thế lực mỗi ngày một kém, lại phải nay ẩn chỗ này, mai chạy chỗ kia, thật là lao khổ vô cùng, bởi vậy khi Nguyễn Thân đem quân ra đến Hà Tĩnh, thì ông đã phải bệnh mất rồi. Nguyễn Thân sai người đuổi đánh tìm thấy mả, đào lấy xác về xin người Pháp cho đem đốt lấy tro trộn với thuốc súng mà bắn đi.

Tùng Ảnh - quê hương Phan Đình Phùng là xã tiên của Hà Tĩnh hoàn thành 5 tiêu chí xây dựng NTM

Có người nói rằng, việc ấy tuy Nguyễn Thân trước định thế, nhưng sau lại cho đem chôn, vì muốn để làm cái tang chứng cho đảng phản đối với chính phủ Bảo hộ là quan Đình Nguyên đã mất rồi. Từ đó đảng văn thân tan vỡ; ai trốn mất thì thôi, ai ra thú thì phải về kinh chịu tội”. 

Có thể nói, Phan Đình Phùng là người đã góp phần quyết định sự tồn tại và lớn mạnh của khu căn cứ Vũ Quang - Ngàn Trươi nói riêng cũng như phong trào Cần Vương nói chung. Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Đình Phùng đã đi vào trang sử vàng của dân tộc, cổ vũ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sử sách và truyền thuyết về ngôi mộ cụ Phan rõ ràng còn nhiều điều cần nghiên cứu làm rõ.

Văn Nguyễn