Nghệ sĩ

Hoàng Sơn: Nghề nào cũng phải đổ mồ hôi và nước mắt

Anh là nghệ sĩ không chỉ nhận được những tràng vỗ tay của khán giả trên sân khấu kịch, mà bản thân còn “bỏ túi” rất nhiều vai diễn truyền hình được mọi người yêu thích. Đó là nghệ sĩ Hoàng Sơn.

Nghệ sĩ Hoàng Sơn nhận được tình cảm của người hâm mộ ở lĩnh vực sân khấu và phim ảnh

Nhớ âm thanh của Sài Gòn ngày xưa

Nhắc đến TP.Hồ Chí Minh, nghệ sĩ Hoàng Sơn cho biết không chỉ người Việt Nam mà thế giới cũng biết về cái tên này. Đã có rất nhiều bài hát, bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của thành phố và tính cách của người dân nơi đây. Ngày trước, chỉ cần đề cập đến chuyện được đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh là ai nấy đều hào hứng và thích thú. 

Nghệ sĩ Hoàng Sơn tâm sự: “Mọi người rất mê và cảm thấy mừng khi được lên TP.Hồ Chí Minh lắm! Đầu năm 1984, tôi được lên TP.Hồ Chí Minh học nên gặp rất nhiều bỡ ngỡ. Đây là một thành phố nhộn nhịp người - xe qua lại vượt quá sức tưởng tượng của mình. Tôi nhớ ngày đó có xích lô, xe lam… ban đêm chỉ cần nghe tiếng máy nổ là biết phương tiện nào đang di chuyển trên đường. Bây giờ, chúng ta có muốn nghe lại những âm thanh đặc trưng này cũng không được”.

Anh từng làm nhiều nghề để phụ giúp gia đình trước khi đến với con đường nghệ thuật

Gia đình nghệ sĩ Hoàng Sơn có 11 người, anh là con út. Năm 1978 gia đình anh rất khó khăn, cả nhà phải ăn cơm độn khoai, bo bo. Đến khi cha của nghệ sĩ Hoàng Sơn mất, cuộc sống của gia đình càng vất vả hơn. Vì vậy, mẹ anh phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng đi mấy chục cây số để kiếm tiền nuôi cả nhà. Nhìn thấy mẹ cực khổ, thức khuya dậy sớm, nghệ sĩ Hoàng Sơn đã quyết định làm điều gì đó để phụ giúp bà. 

“Năm lớp 9, tôi nghỉ học văn hóa chuyển sang học nghề thợ mộc, điêu khắc, làm phụ hồ… để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Làm công việc nào cũng được, miễn là có thể đỡ đần cho mẹ là tôi không nề hà”, nghệ sĩ Hoàng Sơn bộc bạch.

Chưa từng nghĩ làm nghệ sĩ

Nói về nghệ thuật, nghệ sĩ Hoàng Sơn chưa từng có ý định bước chân vào con đường này. Đơn giản chỉ là đam mê diễn xuất thì theo đuổi nên anh không nghĩ sẽ được khán giả đón nhận và dành tình cảm như ngày hôm nay. 

Nhớ lại lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh, anh kể: “Năm thứ nhất trường Nghệ thuật Sân khấu 2, tôi đã được mời đóng phim nhựa nên vui lắm! Ngày nhận được giấy mời đến thử vai, tôi đã mất ngủ mấy đêm liền. Tôi nôn nao, mong ngóng ngày đó đến sớm. 9 giờ hẹn gặp đoàn phim, nhưng 8g kém là tôi đã đạp xe một mạch đến điểm hẹn. Đến nơi, tôi cảm thấy sợ quá vì trước giờ chưa từng thấy hãng phim. Thấy xe ra vào tập nập, tôi chỉ dám đứng cách đó mấy chục mét nhìn vào hãng phim. Đến 10g không thấy tôi xuất hiện, người giới thiệu tôi với đoàn phim mới ra xem và dẫn vào thử vai. Đặt bút ký hợp đồng, tôi cảm thấy bản thân may mắn và vinh dự quá!”.

Nghệ sĩ Hoàng Sơn cảm thấy may mắn khi được theo đuổi niềm đam mê

Ngày còn ngồi trên ghế trường Nghệ thuật Sân khấu 2, nghệ sĩ Hoàng Sơn cho biết ai cũng khổ như nhau, phải bươn chải đi làm kiếm tiền. Ngày xưa tại TP.Hồ Chí Minh có rất nhiều đoàn kịch, nhưng để một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường có một công việc trong đoàn kịch là điều không đơn giản. Sau một thời gian nghệ sĩ Hoàng Sơn “bám trụ” ở TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn chưa tìm được cơ hội phát triển nên đã quyết định về quê. 

“Tôi thấy mọi thứ ở TP.Hồ Chí Minh mịt mờ quá nên đã về quê. Nhưng má tôi có nói một câu: “Con hãy suy nghĩ cho kỹ, quá trình học nghệ thuật đã cực khổ, đây cũng là niềm đam mê của con, nên về quê hay không là do con quyết định”. Nghe xong lời má nói, tôi đắn đo rất lâu và đã trở lại Thành phố. 

Ngày trở lại, tôi may mắn được thầy Nguyễn Hữu Luân hỗ trợ để tôi, Hữu Nghĩa, Phước Sang cùng các bạn khác được thực hiện niềm đam mê diễn xuất. Chúng tôi thành lập nhóm kịch Tuổi đôi mươi. Thời gian đầu bán được rất ít vé, nhưng mỗi lần bán được thêm một vé là cả nhóm mừng lắm! Sau này, khi mọi người biết được đây là sân khấu diễn hài đã đến rất đông, thậm chí hết ghế, họ đứng để xem cũng chịu”, nghệ sĩ Hoàng Sơn bộc bạch.

Những vai diễn của anh đều được khán giả đón nhận và yêu mến

Ngày trước, những vở diễn hài của nhóm kịch Tuổi đôi mươi mang tính giáo dục. Và đến thời điểm hiện tại, các tiết mục của nghệ sĩ Hoàng Sơn vẫn theo định hướng này, chứ không đơn thuần là chọc cười người xem. Nhiều người nói anh khó tính nhưng với nghệ sĩ này, đây là nguyên tắc làm nghề. 

Năm 1996, nghệ sĩ Hoàng Sơn nhận được Huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Toàn quốc. Ngoài ra, anh còn nhận được không ít giải thưởng khác như: Diễn viên xuất sắc, Diễn viên ấn tượng… Và phần thưởng quý giá nhất trong cuộc đời làm nghề chính là tình cảm của khán giả dành cho anh.

Đừng bỏ cuộc dù có gặp khó khăn

Hồi trẻ, ngoài tham gia hoạt động sân khấu, nghệ sĩ Hoàng Sơn còn đóng rất nhiều bộ phim. Anh thật thà nói: “Ngày trước, tôi đẹp trai lắm! Năm 1989, tôi vào vai trinh sát trong bộ phim Chiến trường chia nửa vầng trăng. Đến bây giờ, khán giả vẫn còn nhớ đến vai diễn này và nói “bộ đội gì mà đẹp trai vậy!”. 

Vai diễn bộ đội trong “Chiến trường chia nửa vầng trăng” của nghệ sĩ Hoàng Sơn được người xem nhớ đến

Nghệ sĩ Hoàng Sơn góp mặt trong bộ phim Vịt kêu đồng và anh đoạt được giải Cánh diều vàng 2009 ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc. Anh nhớ mãi phân đoạn vì bệnh dịch nên đàn vịt đồng bị thiêu hủy, đạo diễn Phương Nam không yêu cầu anh diễn khóc nhưng nước mắt vẫn chảy nơi khóe mắt. 

Nghệ sĩ Hoàng Sơn tâm sự: “Khi diễn cảnh này, tôi cảm nhận được sự vất vả, khó khăn của người dân khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra. Nhìn cảnh đó, nước mắt tôi bỗng dưng chảy. Sau này, khi đang đóng phim khác, tôi nhận được thông báo chuẩn bị ra Hà Nội nhận giải và không ngờ mình được giải Cánh diều vàng vì nhân vật bản thân đảm nhận thuộc tuyến thứ chính. Được mọi người công nhận, tôi cảm thấy hạnh phúc!”.

Nghệ sĩ Hoàng Sơn (giữa) đạt giải Cánh diều vàng 2009 ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc trong bộ phim “Vịt kêu đồng”

Hơn 30 năm theo nghề, nghệ sĩ Hoàng Sơn chia sẻ cho dù ở hoàn cảnh nào cũng cần phải bình tĩnh, chịu khó. Muốn gặt hái được thành công, mỗi người phải đổ mồ hôi và nước mắt không chỉ riêng làm nghệ thuật mà ngành nghề nào cũng vậy. Để ngọn lửa nghề cháy mãi, tự bản thân phải nhìn lại quá trình mà mình đã trải qua và cố gắng giữ vững lập trường. Đừng đi sai đường mà uổng phí công sức bản thân đã phấn đấu, nỗ lực. 

“Tôi chỉ muốn khuyên các bạn trẻ rằng: Hãy tự tin và hãy đi bằng đôi chân chính mình thì những gì gặt hái được sẽ vững chắc. Đừng thấy khó khăn mà vội chùn bước, chán nản hoặc đi đường tắt, như thế chúng ta sẽ không đủ vốn sống để tồn tại”, nghệ sĩ Hoàng Sơn nói.

Mời quý vị đón xem chương trình “Ký ức Sài Gòn” được phát sóng vào lúc 10g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Thanh An