Nhật ký Blouse trắng

Cuộc chiến giành sự sống cho bệnh nhân ở khoa cấp cứu

"Trong nghề bác sĩ, tôi chọn làm hồi sức cấp cứu vì ngành hồi sức đòi hỏi phải nhanh chóng và chuẩn xác để giúp cho bệnh nhân vượt qua tình trạng nặng, giành giật sự sống cho họ", bác sĩ Lương Văn Chương chia sẻ.

"Nhật ký Blouse trắng" đang phát sóng định kỳ lúc 17g40 thứ Sáu hàng tuần trên kênh HTV9.

Chương trình mở đầu bằng những hình ảnh gấp gáp, vội vàng của Thạc sĩ, bác sĩ Lương Văn Chương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, thành phố Hà Nội khi tiếp nhận 1 ca cấp cứu đột quỵ vừa được chuyển đến bệnh viện.

Đây cũng chính là không khí chung, là đặc thù của khoa cấp cứu, nơi ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận những bệnh nhân vào viện trong tình trạng cấp cứu và tối cấp cứu, bệnh nhân phải được xử trí ngay từ những giây phút đầu tiên, bác sĩ Chương nhận định.

Bệnh nhân được cấp cứu nhanh chóng, tập trung, và để khán giả hiểu thêm tình huống, bác sĩ Chương chia sẻ: Khi bệnh nhân có các dấu hiệu đột quỵ, để tận dụng thời gian vàng, khi đến với Khoa cấp cứu thì chúng tôi kích hoạt hệ thống báo động đỏ, các bác sĩ của đơn nguyên đột quỵ sẽ phối hợp sử dụng các thuốc để tiêu xạ huyết rất  nhanh, khoảng 15 phút thì bệnh nhân đã được xử trí tiêu xạ huyết.

Tại Khoa cấp cứu, các bác sĩ đều phải phân loại, đánh giá chính xác, khi cần phải chuyên khoa sâu hơn thì các bác sĩ chuyên khoa đột quỵ sẽ xử lý tiếp. Tại Khoa cấp cứu, ê-kíp "Nhật ký Blouse trắng" cảm nhận rõ 15 phút đồng hồ trôi qua với những động tác hối hả và có phần gấp gáp.

Và với bác sĩ Chương cùng đồng nghiệp, 15 phút đó là khoảng thời gian quý báu để họ chiến đấu với Thần Chết, giành lại sự sống cho bệnh nhân. Khi đã xác định người bệnh qua cơ nguy kịch, bác sĩ Chương mới yên tâm rời đi để theo dõi những ca bệnh đang điều trị sau cấp cứu.

Anh cho biết: Hàng ngày, chúng tôi cũng tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, chia đều cho các chuyên ngành, khoảng 50 bệnh nhân cấp cứu nội khoa như: Nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, khó thở...; Cấp cứu ngoại khoa thì có các cấp cứu về ổ bụng chấn thương sọ não; Cấp cứu về nhi khoa, viêm màng não, co giật... chúng tôi gặp rất là nhiều.

Khoa cấp cứu là cửa ngõ, nên nhiều lúc bệnh nhân quá đông, vì như vậy chúng tôi phải phân loại mức độ ưu tiên. Bệnh nhân nặng được cấp cứu sớm, bệnh nhân không nặng có thể chờ 1 chút. Cái buồn nhất khi làm ở cấp cứu là người nhà bệnh nhân thường không hiểu, họ nghĩ rằng ai vào đây cũng là cấp cứu.

Khi người bệnh đến thì như các cụ nói "Của đau con xót", người nhà người ta đau đớn sẽ rất dễ bị xung đột. Giai đoạn đó, mình hãy làm thật tốt cho bệnh nhân. Khi mình làm tốt thì họ sẽ hiểu mình đã làm hết sức cho họ rồi.

Tâm sự thêm về những trăn trở với nghề, bác sĩ Văn Chương chia sẻ: Tôi luôn mơ ước trở thành thầy thuốc để giúp được nhiều người khỏe mạnh. Trong nghề bác sĩ, tôi chọn làm hồi sức cấp cứu vì ngành hồi sức là những chuyên ngành đòi hỏi phải nhanh chóng giúp cho bệnh nhân vượt qua tình trạng nặng, giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Quý khán giả có thể đón xem những câu chuyện ấm áp tình người và truyền cảm hứng khác trong "Nhật ký Blouse trắng". Chương trình được phát sóng lúc 17g40 thứ Sáu hàng tuần trên kênh HTV9.

Thiên Bình