Chuyển đổi số - Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ với doanh nghiệp TP.HCM

VŨ TUYÊN - MINH KHÔI - HOÀNG TÂN - ANH KHUÊ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 5/5/2025, 13:51

(HTV) - TP.HCM đang thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế số, song quá trình này vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), do đòi hỏi thay đổi toàn diện từ công nghệ đến mô hình kinh doanh và vận hành.

Doanh nghiệp phải đổi mới toàn diện để theo kịp kinh tế số, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thách thức từ chiến lược đến thực thi

Ngay cả những doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm như Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) cũng thừa nhận sự phức tạp của chuyển đổi số. Ông Nguyễn Thanh Nhã - Phó Tổng Giám đốc, cho biết đơn vị tập trung vào 6 trụ cột (chiến lược, dữ liệu, vận hành, khách hàng, văn hóa doanh nghiệp...) nhưng thách thức lớn nằm ở việc xác định đúng mục tiêu và khung thời gian. "Nếu chúng ta không xác định được rõ mong muốn của mình, và đưa ra thời gian quá gấp hoặc quá dài thì mức độ hình thành chuyển đổi số đó không đưa đến hiệu quả tốt lắm," ông Nhã chia sẻ.

Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là chiến lược vận hành thông minh

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp tại TP.HCM), khó khăn còn lớn hơn: 

Thiếu nhân lực chất lượng cao: Khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì đội ngũ đủ khả năng vận hành các nền tảng số phức tạp.

Chính sách chưa linh hoạt: Ông Trần Trung Hiếu - Giám đốc phát triển của Mitric, chỉ ra sự cần thiết của một hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nêu bất cập về thời gian phê duyệt các đề án CNTT (có thể mất đến 2 năm), khiến công nghệ dễ trở nên lạc hậu khi được áp dụng.

Chiến lược triển khai: Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cảnh báo về việc chuyển đổi số nếu chỉ giao cho cấp dưới tự nghiên cứu sẽ khó triển khai đồng bộ. Ông nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phải đi từ trên xuống" và cần được cập nhật liên tục do tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ như AI. Doanh nghiệp cần có bộ phận hoặc nhân sự chuyên trách để cập nhật và đào tạo nội bộ.

Mơ hồ về định hướng: Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, cho rằng nhiều doanh nghiệp vẫn "chưa biết chuyển đổi từ đâu, làm gì, ra sao". Ông nhấn mạnh hai vấn đề then chốt mà chuyển đổi số cần giải quyết là nâng cao năng suất lao động và đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ – yếu tố ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế.

Vận hành thông minh – quản lý lưới điện trong từng cú click

Nỗ lực hỗ trợ từ thành phố

Nhận diện những khó khăn này, Sở Công Thương TP.HCM đang triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong 3 lĩnh vực trọng tâm là năng lượng, logistics và thương mại điện tử. Ông Lê Đình Hiếu - Trưởng phòng Kế hoạch – tài chính tổng hợp, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết các giải pháp bao gồm:

Hỗ trợ đào tạo nhân lực, nhất là cho SME.

Tổ chức kết nối giữa SME với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, giải pháp số và những đơn vị đã chuyển đổi số thành công để học hỏi kinh nghiệm.

Triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất (theo Nghị quyết 09 của HĐND TP) cho các doanh nghiệp có dự án chuyển đổi số hiệu quả thông qua chương trình kích cầu đầu tư.

Tự động hóa quy trình – nâng tầm chất lượng sản phẩm

Mục tiêu tương lai

Việc tháo gỡ các thách thức trong chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để TP.HCM đạt được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế số hàng đầu cả nước vào năm 2030, với trọng tâm là đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp công nghệ số và nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của thành phố.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: