“Chồng à, vợ ơi”: Truyền tải thông điệp ý nghĩa đằng sau những câu chuyện hài hước

“Chồng à, vợ ơi” là sitcom dài 50 tập tiếp tục chọn đề tài gia đình, tình làng nghĩa xóm để khai thác. Liệu bộ phim có mang đến màu sắc mới cho dòng phim này?


Ông Sáu Gà là người lành tính, luôn giúp đỡ hàng xóm chỉ với yêu cầu “có qua có lại”; còn vợ ông là người nói chuyện dễ mất lòng dù trong lòng không có ý xấu

Khu phố Thiên Địa vốn là nơi sinh sống của nhiều cặp vợ chồng: trẻ có - già có, lâu năm có - mới cưới có. Đầu tiên phải kể đến chính là gia đình ông Sáu nuôi gà nên thường hay được mọi người gọi là ông bà Sáu Gà. Ông Sáu là một nhân viên phòng phát thanh, lành tính, chân chất, siêng năng làm việc kiếm tiền. Ông cũng rất hay giúp đỡ người khác bất cứ lúc nào nhưng vì bản tính rất sòng phẳng, ông chỉ giúp với yêu cầu “có qua có lại”. 

Bà Sáu Gà là một người vợ nội trợ siêng năng nhưng thích tỏ ra cái gì cũng biết, đặc biệt là luôn tỏ ra hơn chồng. Bà Sáu có chút ích kỷ và nói chuyện dễ mất lòng, dù trong lòng không có ý xấu nhưng do lời nói lại nhanh hơn suy nghĩ. Bà rất ghét tên của mình bị gắn với từ “gà”. Họ có hai người con, trong đó, bà Sáu yêu chiều con gái lớn, còn khó khăn với con trai nhỏ.


Ông bà Sáu Hợi là cặp vợ chồng lớn tuổi nhất khu phố, luôn ganh tỵ với những gia đình khác khi con cái lúc nào cũng quây quần bên cạnh

Gia đình thứ hai trong khu phố Thiên Địa chính là ông bà Sáu Hợi. Sở dĩ ông bà có tên này là do gia đình nuôi heo, ngoài ra, để phân biệt với gia đình ông bà Sáu Gà, hàng xóm đặt luôn tên là ông bà Sáu Hợi. Họ là đôi vợ chồng cao tuổi nhất xóm. 

Ông Sáu Hợi tuy là “già làng” nhưng có tính so đo, hay châm chọc khi gia đình khác lục đục. Thật ra, sâu thẳm trong lòng ông luôn ganh tỵ với những gia đình khác khi được con cái quay quần xung quanh, còn con của ông thì từ lâu, không có đứa nào chịu trở về. 

Như bao người vợ khác, bà Sáu Hợi là người tần tảo một đời vì chồng vì con. Ở cái tuổi về “hạ cánh” an toàn, sống bằng lương hưu, bà cũng buồn bã cô đơn khi con cái không ở bên cạnh. Chính vì vậy, cũng giống chồng mình, bà luôn ganh tỵ với những gia đình khác.


Vợ chồng Thành Công - Mỹ Dung có tính cách đối lập nhau, chồng không thích xã giao còn vợ thì thích các hoạt động xã hội

Một trong những gia đình trẻ ở khu phố này chính là vợ chồng Thành Công - Mỹ Dung. Vốn là người có tính gia trưởng, Thành Công luôn khó khăn với vợ đủ điều. Anh luôn giữ “khư khư” quan điểm: hàng xóm chỉ là xã giao, và đặc biệt chỉ cần thân thiết với những người có lợi trong công việc. 

Trái ngược với chồng, Mỹ Dung là một người rất thích các hoạt động xã hội. Cô thích hát hò văn nghệ, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người. Nhưng mọi hoạt động của cô đều phải “dòm trước ngó sau” bởi tính khí đặc biệt của anh chồng. Họ có một cô con gái 15 tuổi, tính tình giống mẹ, thích hoạt động bên ngoài, lanh nhưng không có lợi. 

Một ngày kia, mọi người hào hứng chào mừng sự kiện khu phố Thiên Địa “tăng dân số” khi có cặp vợ chồng trẻ Duy Phước - Minh Lộc chuyển đến sống. Duy Phước là một kỹ sư xây dựng, tính tình hòa nhã và thân thiện. Nổi tiếng là người có kiến thức sâu rộng nhất khu phố nên thường được mọi người gọi là Phước kỹ sư. Vợ anh là Minh Lộc, một người phụ nữ hiện đại, quen với cách sống biệt lập ở phố thị. 


Duy Phước - Minh Lộc là cặp vợ chồng khiến cho khu phố Thiên Địa bị đảo lộn khi họ chuyển về đây sống

Thay vì cảm thấy vui vẻ, cô vợ trẻ lại tỏ ra không thích với sự kiện chào mừng ồn ào này. Bởi cô cho rằng đây là hành động tò mò từ những vị hàng xóm trong khu phố. Vì vậy, từ khi vợ chồng họ chuyển về sống trong khu phố Thiên Địa với nếp sống “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” này, Minh Lộc vô cùng khó chịu và cảm thấy mệt mỏi. Cũng từ đó, cuộc sống của khu phố hoàn toàn bị đảo lộn.

Nguyên nhân khiến cho khu phố Thiên Địa thay đổi là do cô vợ trẻ kia khó gần, khó ở hay là do nếp sống từ những người hàng xóm đã quá bon chen vào cuộc sống của người khác. Chưa kể đến việc, mỗi gia đình trong khu phố là mỗi một cặp vợ chồng có xuất thân và tính cách đối lập liên tục tạo ra nhiều mâu thuẫn. Đứng trước những tình huống khó xử trong gia đình, mẫu thuẫn với hàng xóm láng giềng… họ phải làm gì? Tình cảm vợ chồng, tình hàng xóm láng giềng sẽ ra sao? Tất cả sẽ được phản ánh một cách chân thực, gần gũi và hài hước trong sitcom Chồng à, vợ ơi!


Sitcom “Chồng à, vợ ơi!” truyền tải những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm

Người xưa có câu: “Bà con xa, không bằng láng giềng gần”, hình ảnh tình làng, nghĩa xóm luôn là một nét văn hóa đẹp của người Việt. Dù xã hội có hiện đại hơn, có phát triển đến nhường nào thì lối sống hòa nhập, cộng đồng vẫn là một cách sống cần được gìn giữ, bảo vệ và khuyến khích. Đây cũng là thông điệp mà sitcom muốn truyền tải đến khán giả.

Mời quý vị đón xem sitcom “Chồng ơi, vợ à!” dài 50 tập, được phát sóng vào lúc 18g05 từ thứ Hai đến thứ Năm trên kênh HTV9.

Hoàng Minh