Vì một Cần Giờ xanh: Hướng đến tương lai sinh thái và giao thông bền vững cho TP.HCM

NGỌC PHƯỢNG - TRẦN TÚ - TRÚC QUỲNH - THIÊN PHÚ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/5/2025, 16:14

(HTV) - Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương và TP.HCM về tăng trưởng xanh, phát triển Cần Giờ và bảo tồn khu sinh quyển rừng ngập mặn, TP.HCM xây dựng dự thảo chương trình hành động "Vì một Cần Giờ Xanh".

Với tầm nhìn đến năm 2030, Cần Giờ sẽ trở thành thành phố biển sinh thái kiểu mẫu, phục vụ chiến lược chống Biến đổi khí hậu của TP.HCM.

Để cụ thể hóa các giải pháp xanh mang tính cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất xoay quanh chương trình.

Với tầm nhìn đến năm 2030, Cần Giờ sẽ trở thành thành phố biển sinh thái kiểu mẫu, phục vụ chiến lược chống Biến đổi khí hậu của TP.HCM

Theo các chuyên gia, giao thông hiện chiếm từ 20 đến 25% lượng phát thải khí nhà kính tại Cần Giờ. Vì vậy, giao thông xanh là trụ cột quan trọng trong lộ trình hướng tới Net Zero. Ba định hướng lớn được đề xuất gồm: giảm thiểu phát thải, chuyển đổi sang phương tiện sạch, và cải thiện hạ tầng thông minh.” Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ chi phí chuyển đổi phương tiện cho người dân, đầu tư hệ thống trạm sạc điện, điểm sửa chữa xe điện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường Đại học Việt Đức cho biết, hạ tầng giao thông phải nói đến là hạ tầng giao thông như là đường sắt metro, thứ hai là các cái giải pháp về chuyển đổi phương tiện từ phương tiện động cơ đốt trong sang phương tiện xanh. Đối với xe buýt thì cần chuyển 100 % sang sử dụng xe buýt điện. Đối với các phương tiện xe máy và ô tô thì chuyển dần sang sử dụng phương tiện điện thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước.

Cần Giờ hiện có 35 ngàn hécta rừng ngập mặn. Để xanh bền vững và thông minh hơn trong phát triển các dự án lấn biển, phát triển kinh tế song song bảo tồn thiên nhiên, chuyên gia đề xuất cần ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, công nghệ A.I. để quản lý, bảo vệ rừng cũng như xây dựng dữ liệu quản lý tín chỉ carbon. Việc thương mại hóa tín chỉ carbon hiện cũng cần được xây dựng chính sách kỹ lưỡng vì đây cũng là tài sản quốc gia trong kinh tế xanh. 

 Thực hiện các nghị quyết, quyết định của Trung ương và TP.HCM về tăng trưởng xanh phát triển Cần Giờ và bảo tồn khu sinh quyển rừng ngập mặn

Tiến sĩ Nguyễn Văn Định – Phó Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Điện, Đại học VinUni chia sẻ, đề xuất đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.I.) và Internet vạn vật vào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Cần Giờ, giúp nó diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính xác hơn, đồng thời chi phí rất hợp lý. Ví dụ, bằng việc sử dụng A.I., chúng ta có thể phân tích số liệu từ các cảm biến đo nhiệt độ môi trường, các tác nhân ảnh hưởng xung quanh, cũng như dữ liệu hình ảnh vệ tinh. Từ những dữ liệu thời gian thực này, hệ thống sẽ khoanh vùng chính xác và tích hợp vào hệ thống chuyển đổi số của thành phố. Nhờ đó, chúng ta sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu minh bạch, phục vụ việc thiết lập tín chỉ carbon, giúp Việt Nam có thể bán tín chỉ này ra thị trường quốc tế cho các nước cần mua, vì toàn bộ dữ liệu đã được thu thập và quản lý một cách khoa học.

 Cần Giờ hiện có 35 ngàn hécta rừng ngập mặn

Ông Trần Thanh Bình - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, việc giữ gìn hệ thống sinh thái khu vực không chỉ mang lại lợi ích cho các cơ quan nhà nước mà còn cho cả người dân thông qua việc tích lũy tín chỉ carbon từ các hoạt động nông nghiệp xanh, sạch và bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có một sàn giao dịch tín chỉ carbon hoàn chỉnh. Do đó, các cơ chế liên quan đến tài chính, cấu trúc hàng hóa tín chỉ carbon và hình thành giá trị giao dịch giữa các loại phát thải vẫn còn thiếu sót. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trong nước phải liên kết với các nhà đầu tư quốc tế để triển khai các dự án có cơ sở trao đổi tín chỉ carbon.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: