Thị trường ngày 1/5/2025: Giá vàng thế giới giảm, trong nước ổn định, giá xăng dầu ghi nhận hat-trick giảm ngày

HUYỀN KHANH - HÀ MY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/5/2025, 08:07

(HTV) - Giá vàng thế giới tiếp đà giảm. Trong khi đó, giá vàng trong nước ổn định trong ngày nghỉ lễ đầu tiên. Giá xăng dầu thế giới trượt dài, dầu WTI lùi xa khỏi mốc 60 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước sẽ giữ ổn định trong tuần.

Giá vàng trong nước

Tính đến 6 giờ, giá vàng miếng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết ở ngưỡng 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng miếng SJC những phiên giao dịch gần đây. Biểu đồ: Phan Anh

Nguồn: Lao động

Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở ngưỡng 119,3 - 121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 2 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng Bạc Đá Quý Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC ở ngưỡng 118,3 - 121,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm, với giá vàng giao ngay giảm 29,7 USD xuống 3.289 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 3.319,7 USD/ounce, giảm 14,5 USD so với rạng sáng qua.

Giá vàng thế giới tiếp đà giảm vào thứ Tư do chịu ảnh hưởng từ sự phục hồi của đồng USD và dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Vàng giao ngay giảm 1,3% và trượt ngưỡng 3.300 USD/ounce. Mặc dù giảm trong phiên giao dịch cuối của tháng, nhưng vàng vẫn ghi nhận mức tăng hằng tháng thứ tư liên tiếp khi tăng gần 5% trong tháng 4.

Đà giảm của vàng trong ngày được hạn chế khi dữ liệu công bố mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, GDP của Mỹ đã giảm 0,3% trong quý đầu tiên của năm nay, khi các doanh nghiệp vội vã nhập khẩu hàng hóa trước thời điểm chính quyền Donald Trump áp thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ. Các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò dự báo mức tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong đánh giá, vàng vẫn tự tin trong thị trường tăng giá và dữ liệu mới công bố mới nhất cho thấy con đường dễ dàng hơn để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay, điều này sẽ có lợi cho vàng. Ông nói thêm rằng, vàng có thể giao dịch đi ngang trong một thời gian ngắn sau khi giá tăng mạnh lên 3.500 USD/ounce trong thời gian gần đây.

Giá vàng thế giới trong 24 giờ qua

Được xem là biện pháp bảo vệ chống lại tình trạng bất ổn chính trị và tài chính, vàng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 3.500,05 USD/ounce vào ngày 22-4 khi các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn khỏi tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ không đổi trong tháng 3 sau khi tăng 0,4% trong tháng 2. PCE cốt lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng dễ biến động) tăng vọt ở mức 3,5%.

Các nhà giao dịch hiện đang chờ đợi dữ liệu việc làm lớn nhất trong tuần này để rõ hơn về đường hướng chính sách trong tương lai của Ngân hàng Trung ương Mỹ.

Với giá vàng miếng trong nước ổn định và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 3.289 USD/ounce (tương đương khoảng 103,8 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 17,5 triệu đồng/lượng.

Giá dầu thế giới

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/4, giá dầu ghi nhận hat-trick giảm ngày và mức giảm hằng tháng lớn nhất trong gần 3 năm rưỡi.

Giá dầu Brent giảm 1,13 USD, tương đương 1,76%, xuống mức 63,12 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 2,21 USD, tương đương 3,66%, xuống mức 58,21 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

 Trong tháng 4, giá dầu Brent đã giảm 15% và giá dầu WTI giảm tới 18%

Trong tháng 4, giá dầu Brent đã giảm 15% và giá dầu WTI giảm tới 18%. Đây là mức giảm phần trăm theo tháng lớn nhất của hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn kể từ tháng 11/2021.

Cả dầu Brent và WTI cùng “đổ đèo” sau khi Saudi Arabia, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, ra tín hiệu rằng họ không muốn hỗ trợ thị trường dầu mỏ bằng cách cắt giảm nguồn cung thêm nữa, đồng thời có thể chịu được mức giá thấp trong một thời gian dài.

"Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến sản xuất khác", nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group cho biết. Flynn đặt nghi vấn: Liệu Saudi Arabia có đang cố gắng gửi đi thông điệp rằng họ sẽ giành lại thị phần của mình không?

Hồi đầu tháng 4, Saudi Arabia đã thúc đẩy việc tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến của OPEC+ trong tháng 5.

Nhiều khả năng một số thành viên OPEC+ sẽ đề xuất tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6 tại lần nhóm họp vào ngày 5/5 để thảo luận về kế hoạch sản lượng.

Pavel Molchanov, nhà phân tích chiến lược đầu tư của Raymond James nhận xét: Cuộc chiến thương mại làm giảm trực tiếp nhu cầu dầu mỏ và cản trở việc đi lại của người tiêu dùng. Kết hợp với việc OPEC hủy bỏ cắt giảm sản lượng, nguy cơ cung vượt cầu đang gia tăng.

Lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu tiếp tục gây áp lực lên giá dầu.

Dữ liệu công bố ngày 30/4 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý I/2025, chịu sức ép từ lượng hàng hóa nhập khẩu khổng lồ của các doanh nghiệp muốn tránh chi phí cao hơn. GDP quý I/2025 giảm 0,3%, mức giảm đầu tiên kể từ quý I/2022.

Mặc dù lạm phát tăng cao trong quý I/2025 nhưng đã hạ nhiệt vào tháng 3. Chỉ số giá Chi tiêu dùng cá nhân không bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng dễ biến động không đổi trong tháng 3 sau khi tăng 0,5% vào tháng 2. Các nhà kinh tế cho biết các báo cáo sẽ khuyến khích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất vào tuần tới.

Trước đó, ngày 29/4, dữ liệu công bố cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm trong tháng 4 do lo ngại ngày càng tăng về thuế quan.

Liên quan đến tồn kho xăng, dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 25/4, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu đã giảm 2,7 triệu thùng xuống còn 440,4 triệu thùng, trái ngược với kỳ vọng tăng 429.000 thùng của các nhà phân tích và ngược với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ về mức tăng 3,76 triệu thùng. Trong khi tồn kho xăng giảm 4 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất bất ngờ tăng 900.000 thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1-5 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 19.238 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 19.638 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.524 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.715 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.524 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá ngày 5/5. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước và những phiên giao dịch vừa qua liên tục giảm nên giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng sẽ quay đầu giảm.

Thông thường, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào thứ Năm hằng tuần. Tuy nhiên, tuần này thứ Năm (ngày 1/5) là ngày nghỉ lễ nên kỳ điều hành giá sẽ lùi lại vài ngày.

Theo khoản 3 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 80/2023/NĐ-CP) về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Vì vậy, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào ngày 5/5.

Tại kỳ điều hành giá gần đây nhất, giá xăng E5 RON 92 tăng 740 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 782 đồng/lít, dầu diesel tăng 487 đồng/lít, dầu hỏa tăng 531 đồng/lít và dầu mazut tăng 564 đồng/kg.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: