(HTV) - Trước nhu cầu nhà ở cấp thiết, nhất là tại TP.HCM, Quốc hội đồng thuận đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia – giải pháp tài chính chiến lược nhằm tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ tài chính dài hạn, bền vững cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội
Cung không đủ cầu: Người thu nhập trung bình cũng “bó tay” với nhà ở
Tại TP.HCM - nơi có quy mô dân số lên đến 13 triệu người, nguồn cung căn hộ giá rẻ ngày càng trở nên khan hiếm. Thống kê mới nhất cho thấy, căn hộ hạng C chỉ chiếm chưa đến 4% thị phần, và nếu tính cả căn hộ dưới 60 triệu đồng/m² thì cũng chưa đến 15%.
Chị Lê Thị Thùy Trang ngụ tại quận 10, TP.HCM
Chị Lê Thị Thùy Trang ngụ tại quận 10, TP.HCM chia sẻ: “Do thu nhập và đời sống hiện tại chưa đủ để mua nhà riêng nên em tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội và vay vốn, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.”
Nhu cầu là rất lớn, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là giá cả và khả năng tiếp cận. Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, cho biết: “Hiện nay thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng cũng không đủ mua nhà, vì giá nhà toàn ở mức trung và cao cấp. Nhà rẻ hầu như không có. Chúng ta quy định các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhưng thực tế rất ít nơi làm.”
Ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa
Quỹ nhà ở quốc gia: Kỳ vọng thay đổi cục diện
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt hơn 66.000 căn - tương đương 7% kế hoạch. Trong bối cảnh đó, việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia được xem là giải pháp “đúng lúc, đúng chỗ”.
Đây là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do Chính phủ thành lập và vận hành. Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ tài chính dài hạn, bền vững cho các địa phương và doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Đối tượng thụ hưởng bao gồm: công nhân, người trẻ dưới 35 tuổi, và người mua nhà lần đầu. Quỹ sẽ cung cấp các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp, hoặc trợ cấp trực tiếp.
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng nhóm Nghiên cứu, bộ phận R&D DKRA Vietnam
Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng nhóm Nghiên cứu, bộ phận R&D DKRA Vietnam đánh giá: “Quỹ này cấp bách và phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn. Quan trọng là phải có cơ chế rõ ràng, hỗ trợ lãi suất và vốn vay cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Nếu có thể đưa mức lãi suất về thấp hơn ngân hàng thương mại 2-3%, thì người trẻ mới có thể tiếp cận.”
Chính sách cần đi cùng hành động thực chất
Việt Nam từng có các quỹ nhà ở cấp địa phương và chương trình cho vay từ ngân hàng nhà nước, nhưng việc tiếp cận vẫn còn khó khăn do vướng mắc thủ tục và quy trình pháp lý.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế: “Lần này nếu làm quyết liệt, tôi tin là có thể triển khai được. Bộ Xây dựng cần có quy hoạch cụ thể theo vùng, số lượng nhà ở xã hội phải rõ ràng. Bộ Tài chính cũng cần giám sát kỹ lưỡng việc sử dụng ngân sách, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng tiến độ.”
Bộ Xây dựng cần có quy hoạch cụ thể theo vùng, số lượng nhà ở xã hội phải rõ ràng
Việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia không chỉ mang tính kỹ thuật tài chính, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội và tầm nhìn dài hạn trong chiến lược an cư - lạc nghiệp cho người dân. Một chính sách thiết thực, nếu được thực hiện hiệu quả, sẽ là cú hích lớn cho giấc mơ “có nhà” của hàng triệu lao động Việt Nam. Bởi với nhiều người, an cư không chỉ là sở hữu một mái nhà – mà còn là điểm tựa để họ xây dựng tương lai.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9