(HTV) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, sáng 24/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tại hội trường, trước khi bắt đầu chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội dành phút mặc niệm nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đa số đại biểu tán thành việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đại biểu cho rằng đây là một dự thảo luật mới nhưng được biên soạn chặt chẽ, tiếp thu ý kiến đại biểu và có sự chỉnh lý.
Nhận định rằng bảo vệ dữ liệu cá nhân là một thành tố của một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, của quyền con người và quyền công dân; đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu TP.HCM) cho biết thêm: “Luật này còn mang tính quốc tế, tác động đến môi trường đầu tư. Ví dụ người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập, du lịch, chữa bệnh, nếu như dữ liệu cá nhân của họ không được bảo vệ một cách đầy đủ, nghiêm minh bằng pháp luật thì sẽ ảnh hưởng đến phát triển và hội nhập quốc tế”.
Nhấn mạnh dữ liệu cá nhân là một nguồn tài nguyên quan trọng, đại biểu đề nghị chế tài xử phạt trong dự thảo luật phải nghiêm minh, khả thi, không chỉ bảo vệ người dân mà còn tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, giúp phát triển bền vững nền kinh tế.
“Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người”

Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM)
Đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhấn mạnh: “Hiện tại, chế tài xử phạt vi phạm quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân còn thấp so với các quốc gia khác, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Vì vậy, cần sửa đổi các quy định để đưa ra các chế tài nghiêm khắc hơn, đặc biệt là về hành chính và dân sự, quy định rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân vi phạm, và tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân bị xâm phạm dữ liệu cá nhân khởi kiện đòi bồi thường. Đồng thời, cần bổ sung chế tài hình sự để xử lý các vi phạm liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.” 
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị sửa quy định theo hướng nghiêm cấm hành vi mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân mà không có sự đồng ý rõ ràng của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trục lợi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang cho biết: Dữ liệu cá nhân, đây là một loại tài nguyên đặc biệt. Do vậy, yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất. Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh: “Cho phép mua bán dữ liệu cá nhân là cho phép mua bán quyền con người, quyền định đoạt thông tin của người khác. Nếu không quy định việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân như hàng hóa thông thường, có chế tài xử lý nghiêm minh thì thực tiễn sẽ phát sinh rất nhiều phương thức thủ đoạn để hình thành chợ đen về dữ liệu cá nhân, gây hậu quả thiệt hại rất lớn và nỗi bất an cho người dân.”
Bộ trưởng cũng cho biết trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Quốc phòng An ninh và Đối ngoại Quốc hội sẽ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm dữ liệu, Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình Quốc hội xem xét thông qua.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9