Soạn giả Đức Hiền: Tự hào cả đời sống trọn vẹn cùng nghiệp Tổ

Dù không biểu diễn dưới ánh đèn huy hoàng của sân khấu nhưng cả đời soạn giả Đức Hiền luôn tận tụy với nghề, tận tâm với đồng nghiệp. Đó là câu chuyện của soạn giả Đức Hiền.

 Chân dung soạn giả Đức Hiền

Đã từng đóng góp cho sân khấu hơn 100 tác phẩm hay, đủ mọi đề tài. Trong đó có những tác phẩm nổi tiếng còn mang giá trị thời đại. Giờ đây, soạn giả Đức Hiền đã chọn cuộc sống ở khu Dưỡng lão nghệ sĩ tại TP.Hồ Chí Minh để trải qua cuộc sống với nhiều niềm vui.

Lớn lên trong giai điệu đờn ca tài tử

Sau cơn bạo bệnh năm 4 tuổi, ba mẹ soạn giả Đức Hiền được mách rằng muốn nuôi được cậu bé này phải nhờ một người làm thầy nuôi dưỡng. Lúc đó, anh chị chồng của người cô là một thầy dạy đờn ca tài tử không có con cái nên đã nhận nuôi Đức Hiền. Nhờ vậy, cải lương thấm dần trong cậu bé. Tuy hàng ngày ba nuôi nhận dạy rất đông học sinh, nhưng ông chưa bao giờ dạy cho con trai, vì ông thấy nghề này khổ. Thế nhưng vì niềm yêu thích, mỗi ngày cậu bé đều đứng bên ngoài học lén.

 Ba nuôi không cho theo nghề nhưng Đức Hiền vẫn đam mê

Đến năm 15 - 16 tuổi, ba mẹ ruột Đức Hiền nhận lại ông để về thành phố. Tại đây, ông có những người em theo học trường quốc gia âm nhạc nên sẵn cơ hội ông cũng gia nhập, vào học với tư cách dự thính. Từ đó, cuộc đời ông gắn bó với sân khấu đến bây giờ. 

Trở thành soạn giả sân khấu nổi danh

Soạn giả Đức Hiền hiện đang là cây bút chủ lực cho các trại sáng tác và liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ông viết hơn 100 tác phẩm sân khấu cải lương, kịch nói. Trong đó, nhiều tác phẩm đạt nhiều giải thưởng cao như: Vai người khác đóngHoàng đế cờ lau đồng đoạt HCV tại Hội diễn sân khấu TP.Hồ Chí Minh về đề tài thếu nhi năm 1991; Yêu người hát dân ca đạt HCB trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995. 

Ông còn hợp soạn và chuyển thể cho nhiều vở cải lương, tiêu biểu là Khu vườn của ngoại đoạt HCV trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995; Huyền thoại một tình yêu - HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2000... và một số tác phẩm nổi tiếng khác làm say mê bao thế hệ khán giả yêu cải lương như Người mang trái tim đá, Cho rừng lại xanh, Bàn thờ Tổ của một cô đào...


Trích đoạn tác phẩm "Bàn thờ Tổ của một cô đào"

Khi còn là diễn viên ở nhà hát Trần Hữu Trang thì vợ chồng Đức Hiền gặp cố soạn giả Hoa Phượng. Đây là bước ngoặt lớn nhất để có cái tên soạn giả Đức Hiền của ngày hôm nay. Vợ ông từng lo lắng chồng sẽ không viết được thì Hoa Phượng lại nói: "Tôi cam đoan với thím vài ba năm nữa, không một chữ nào của Đức Hiền mà lại bỏ hết". 

Khi đó, Đức Hiền cũng hơi "sốc" vì nghĩ Hoa Phượng nói quá mức. Vài năm sau đó, Đức Hiền làm việc liên tục và có trong tay vài kịch bản hay. Ngẫm lại ông mới thấy điều đàn anh nói về mình rất chính xác. 

Kịch bản đầu tiên của Đức Hiền quay truyền hình là Cho rừng lại xanh. Đến Bàn thờ Tổ của một cô đào thì tên tuổi của ông cũng được biết đến kha khá. Soạn giả Đức Hiền cho biết, yếu tố thúc đẩy ông làm việc và thành công là nhờ vào sự tin tưởng của mọi người.

 Tài năng của Đức Hiền được chứng minh khi ông đạt nhiều thành tựu với nhiều tác phẩm hay

Tuy đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, song Đức Hiền vẫn chưa tìm thấy tác phẩm nào khiến ông tâm đắc. Hiện ông vẫn còn đang trên đường tìm kiếm nó. 

Ông chia sẻ: "Nghề này tạo điều kiện cho tôi giãi bày nỗi lòng của mình. Ví dụ, vấn đề đạo đức, lòng hiếu thảo mà tôi muốn gửi gắm đến con cái cũng nằm trong kịch bản. Vấn đề với bạn bè, người khác không nói được, nhưng tôi nói được, thậm chí họ tiếp thu một cách vui vẻ. Đó cũng là điều hết sức hạnh phúc đối với tôi".

Song để làm được nghề này, soạn giả Đức Hiền phải luôn tiếp thu, tìm hiểu những cái mới, học hỏi từ giới trẻ. Mỗi lần đi thực tế, ông lại "bỏ ống" thêm cho vốn sống của mình, để khi nào phù hợp, ông mang vào ứng dụng. "Tiếp thu được nhiều thứ, nhìn được nhiều thứ nhưng người tác giả có tâm là phải biết chọn lọc cái gì để làm thông điệp của mình và gửi gắm cho khán giả", ông nói thêm.

Ấm áp nghĩa tình nghệ sĩ

Mười lăm năm nay, soạn giả Đức Hiền có một nơi thương mến để đi về. Đó là khu Dưỡng lão nghệ sĩ TP. Hồ Chí Minh. Vì lí do mang tính đặc thù của nghiệp cầm ca, các nghệ sĩ ở đây gần như trắng tay và cô đơn khi tuổi xế chiều. Làm việc không lương, không một ngày nghỉ, cứ vậy mà soạn giả Đức Hiền cứ ngày ngày có mặt tại đây. 

 Soạn giả Đức Hiền âm thầm cống hiến cho viện Dưỡng lão nghệ sĩ mỗi ngày

Với tính cách thích cống hiến, ông tham gia nhiều hội văn nghệ, nhắm sức khỏe làm được tới đâu ông đều sẵn sàng lao vào. Chuyển về khu Dưỡng lão nghệ sĩ, soạn giả Đức Hiền vui vì thứ nhất là được gần gũi các nghệ sĩ tài danh thế hệ trước. Thứ hai là ông được đóng góp một phần công sức của mình chăm lo cho cô bác tuổi xế chiều. Đối với ông, đó là niềm hạnh phúc của "người ăn cơm Tổ".

Giữ gìn nghiệp Tổ

Soạn giả Đức Hiền có vợ là nghệ sĩ Dạ Lan, diên viên nhà hát Trần Hữu Trang. Hai con ông là Hiền Linh và Đức Thọ cũng đều theo nghiệp tổ. Vợ chồng ông hiện vẫn ở nhờ nhà bà con. Ước mơ của ông chỉ mong sao gia đình đủ sống để ông yên tâm cống hiến cho sân khấu cải lương suốt quãng đời còn lại.

 Ông tự hào vì đã sống trọn vẹn cả đời cùng nghiệp Tổ

Ông cũng gửi lời đến giới trẻ hiện nay: "Đã theo nghề cải lương là vì yêu nghề thì phải ráng trau dồi, luôn luôn học tập, thể hiện mình xứng đáng là một người nghệ sĩ cải lương".

Bằng những đóng góp vừa sâu nặng, vừa lặng thầm của mình, soạn giả Đức Hiền có quyền tự hào vì đã cả đời sống trọn vẹn cùng nghiệp Tổ. 

Mời quý khán giả đón xem tiết mục "Chuyện đời tôi" trong chương trình "Tạp chí văn nghệ" phát sóng lúc 8g30 Chủ nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Mỹ Linh