(HTV) - Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tạo nền tảng phát triển ổn định, Việt Nam cần khẩn trương đưa 4 Nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị vào cuộc sống.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Quyết liệt triển khai “Bộ tứ trụ cột” – Động lực then chốt cho tăng trưởng bền vững
Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu nhấn mạnh: cần tập trung khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, đồng thời khẩn trương đưa vào cuộc sống 4 Nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị – gồm các Nghị quyết số 66, 68, 57 và 59 – nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cao

Các đại biểu cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8% trong năm 2025, cũng như mục tiêu tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là những tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ; tốc độ tiêu dùng nội địa còn chậm; khu vực kinh tế tư nhân chưa có bước đột phá rõ rệt; giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu.
Theo đánh giá, các động lực tăng trưởng truyền thống vẫn phát huy vai trò trong năm 2024, nhưng sang năm 2025, sẽ không còn đủ để duy trì đà tăng trưởng như kỳ vọng. Do vậy, ngoài việc củng cố các động lực cũ, Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ những động lực tăng trưởng mới, xuất phát từ chính tiềm năng và lợi thế nội tại.
Tận dụng thế mạnh trong nước, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhấn mạnh: "Ngoài các chính sách giảm thuế, hỗ trợ tín dụng thì sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, người tiêu dùng trong nước và những giải pháp liên quan tới kích cầu tiêu dùng cần phải mạnh hơn."

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng phát triển kinh tế bền vững cần dựa vào những thế mạnh vốn có của đất nước. Trong đó, ông chỉ rõ: "Thế mạnh đầu tiên là du lịch. Nếu chúng ta đầu tư nhiều hơn, định vị thương hiệu quốc gia tốt hơn thì ngành du lịch sẽ đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế. Thứ hai là nông nghiệp – cần có một Nghị quyết đủ lớn, đủ mạnh của Quốc hội dành riêng cho ngành này, nhằm thúc đẩy đầu tư vào công nghệ số, chuyển đổi xanh, phát triển nông nghiệp thông minh và có giá trị cao."
Cần thể chế hóa toàn diện các nghị quyết trụ cột
Đáng chú ý, các đại biểu đặc biệt đề nghị sớm triển khai đồng bộ các Nghị quyết số 66, 68, 57, và 59 – được coi là “bộ tứ trụ cột” của Bộ Chính trị, đã bao quát toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để các nghị quyết này thật sự đi vào cuộc sống, cần được thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ và khoa học.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) lưu ý: "Nghị quyết đi vào cuộc sống phải được thể chế hóa một cách hợp lý, trúng đích. Nếu làm vội, chỉ đáp ứng được yêu cầu ngắn hạn. Những dự án đầu tư lớn như nhà máy điện hạt nhân, nhà máy bán dẫn hay công trình giao thông cần hành lang pháp lý ổn định, dài hạn. Nếu thể chế thiếu minh bạch, không ổn định thì nhà đầu tư sẽ e ngại."
Tăng năng suất, kiểm soát nợ công và mở rộng chính sách đặc thù
Bên cạnh các đề xuất về chính sách phát triển động lực tăng trưởng, các đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh phòng chống lãng phí, kiểm soát hiệu quả nợ công và đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo.
Ngoài ra, đề xuất mở rộng các chính sách đặc thù đã được một số địa phương triển khai thành công sang các tỉnh, thành sau sáp nhập cũng được nhấn mạnh – nhằm đảm bảo tính kế thừa và phát huy hiệu quả mô hình quản lý linh hoạt.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9