"Phù thủy lồng tiếng" Bích Ngọc chia sẻ bí quyết giữ lửa với nghề

Khách mời của chương trình "Box thư giãn" vừa qua là diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc - người sở hữu giọng nói quen thuộc trong các phim bộ Hong Kong (Trung Quốc) nói chung và TVB nói riêng.

Diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc trong chương trình "Box thư giãn"

Diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc được xem là một trong những "phù thủy lồng tiếng" thuộc thế hệ tiên phong đầu tiên ở Việt Nam của thập niên 90. Chị có khả năng đổi giọng nhanh và "không ngán" bất cứ lứa tuổi nào.

Giọng nói huyền thoại của chị đã trở thành một phần tuổi thơ của thế hệ 8X, 9X gắn liền với những vai diễn của các ngôi sao Hong Kong thời bấy giờ như: Ôn Bích Hà (Mối hận Kim Bình, Tây du ký, Đắc Kỷ Trụ Vương), Trần Tú Văn (Hồ sơ công lý, 40 tuổi đời một mái ấm), Tuyên Huyên (Xin chào thầy, Mỹ vị thiên vương, Chú chó thông minh), Châu Hải My (Mối tình nồng thắm, Tình yêu là mù quáng)… Dù đã ngoài 50 tuổi nhưng chị vẫn miệt mài cống hiến sau thành công mỗi bộ phim.

Giọng nói của chị Bích Ngọc rất quen thuộc với khán giả mê phim TVB (Ảnh: Topsao)

Chào chị Bích Ngọc, người ta thường hay gọi chị là "phù thủy lồng tiếng". Đó là biệt danh mà khán giả yêu mến đặt cho chị. Vậy chị có thích cách gọi này không?

Thực ra hồi đầu tôi không thích biệt danh này. Có nhiều phóng viên đến rồi gọi tôi bằng nhiều tên như "huyền thoại lồng tiếng", "kì nữ Bích Ngọc", "phù thủy lồng tiếng"... Nhưng mà đến chương trình Người bí ẩn thì "phù thủy lồng tiếng" được khán giả chấp nhận và nhớ đến.

Hồi tôi còn trẻ thì thấy từ "phù thủy" nghe nó... ghê quá, vì nhân vật này thường được dùng để nhát trẻ em. Vì vậy, tôi thấy chưa thích và thấy sợ. Nhưng sau Người bí ẩn, đi đâu ai cũng gọi như vậy và mọi người nói, lí do gọi tôi như vậy là vì tôi biến hóa được nhiều giọng của các nhân vật ở từng độ tuổi. Tôi thấy đúng là như vậy, nên bắt đầu yêu mến biệt danh "phù thủy lồng tiếng" này. 

Chị Bích Ngọc thử sức lồng tiếng cho các giám khảo trong "Người bí ẩn"

Mọi người đều biết chị Bích Ngọc là diễn viên lồng tiếng, nhưng ít ai biết, trước đó, chị là diễn viên của đoàn kịch nói Kim Cương vào những năm 80-90. Liệu chị có thể chia sẻ một chút về cơ duyên để chị đến với nghề diễn viên?

Tôi thi vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 vào năm 1980, cùng khóa với ông xã Công Hậu, Ái Như, Phương Dung, cố NSƯT Thanh Hoàng... Năm thứ hai, chúng tôi theo các anh chị lớn đi diễn. Năm thứ ba, tôi được mời về đoàn Kim Cương để diễn vở kịch múa Cô bé Lọ Lem.

Hồi ở trường, tôi đã được học múa ballet rồi nên tự nhiên tôi bén duyên với đoàn Kim Cương. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm ở đoàn tới năm 90 thì chuyển sang lồng tiếng. Vì thời gian đó, phong trào phim ảnh, phim bộ TVB tràn qua. Sân khấu không còn được yêu thích như trước. 

 "Phù thủy lồng tiếng" và chồng là diễn viên Công Hậu 

Bên cạnh đó, anh Văn Ngà (một nghệ sĩ lồng tiếng) nói với tôi là bên TVB đang tuyển người nên tôi thi vào và đậu. Tôi vừa học, vừa làm rồi bén duyên với nghề lồng tiếng. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng nhận lời đóng nhưng vai diễn nhỏ trên sân khấu Nhà hát kịch thành phố, Đài Truyền hình... Được một thời gian, tôi chuyển hẳn sang lồng tiếng. Vì lồng tiếng quá bận rộn, đôi khi hai tập phim mà tôi thu từ sáng sớm đến tối, tôi không thể phân thân được.

Xuất thân là một diễn viên kịch được đào tạo chính quy, chắc chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm diễn viên lồng tiếng?

Đúng rồi, vì trước đây không có nghề này. Giọng tôi là giọng Kim, tông rất cao, nên tôi cũng khá rầu rĩ vì thầy không cho tôi nhận những vai già. Thầy nói giọng tôi quá giống giọng trẻ con. Nhưng khi vô phim TVB thì một diễn viên phải nói được nhiều giọng. 

Diễn viên nữ chỉ có bốn người thôi, nhưng một người phải đảm nhận rất nhiều vai nên tự mình phải rèn luyện. Mặc dù lúc đầu tôi rất khó khăn để xuống giọng già. Nhưng tôi đã cố gắng khổ luyện ngày qua ngày để được như bây giờ. 

Tuy lồng tiếng là nghề mới nhưng thời điểm đó, có một nhóm về lồng tiếng, kĩ thuật, âm thanh... do bên TVB đưa qua để đào tạo. Người thầy dạy chúng tôi lồng tiếng dạy rất kĩ các thể hiện từng hơi thở, từng cái hắt xì, từng nụ cười... sao cho ra được nhân vật. 

Chị bích Ngọc đã trải qua sự khổ luyện mới thành công như hôm nay

Thường là nghề gì cũng cần có một vài yếu tố để quyết định xem mình có hợp không. Vậy thì giọng nói trời phú và nền tảng diễn xuất trước đó có phải là điều kiện để chị Bích Ngọc theo đuổi nghề này không?

Theo tôi, diễn viên lồng tiếng thì ngoài giọng nói và yếu tố thì yêu nghề cũng là một yếu tố quyết định. Vì nếu chỉ có giọng nói, chỉ lồng cho người ta khớp đầu - khớp đuôi thì mình không cảm được nhân vật, mình không dễ khóc - dễ cười thì mình cũng không nhập vai được.

Diễn viên sân khấu thì được tự do sáng tạo theo kịch bản. Còn diễn viên lồng tiếng thì không được phép sáng tạo thêm. Ngoài diễn xuất thì giọng nói của mình phải phù hợp với tính cách, tuổi tác của nhân vật. Chưa kể, khi mình lồng phải canh theo khẩu hình của người ta cho khớp. Nếu như thuyết minh có thể chờ nhân vật nói trước, thì lồng tiếng phải khớp hoàn toàn với họ.

Trước đây, tôi có dạy một lớp lồng tiếng cho diễn viên trẻ. Có một bạn giọng rất đẹp nhưng chưa gọi là yêu nghề. Cho bạn lồng nhân vật trẻ đẹp thì bạn làm rất tốt, nhưng khi đưa những vai lớn tuổi, vai bé thì hay cằn nhằn. Một thời gian sau thì bạn đó nản. Nếu cố gắng, có bạn sẽ thành công, còn có bạn sợ hư giọng cũng sẽ bỏ cuộc.

Hình ảnh quen thuộc của "phù thủy lồng tiếng" khi làm việc

Nhiều người rất ngạc nhiên về công việc của người lồng tiếng, vì họ phải sống cùng với cảm xúc nhân vật. Vậy có phải kĩ thuật diễn xuất là quan trọng nhất?

Kĩ thuật diễn xuất về "cái tôi" mà các diễn viên được học là giống nhau. Thế nhưng, người diễn viên lồng tiếng phải có thêm "cái tôi" của riêng mình. Có nghĩa là mình thấy người ta diễn xúc động thì mình cũng phải như vậy. Tuy nhiên, thứ nhất là mình không thể để cho nước mắt giàn giụa đến nỗi không thấy đường đọc thoại. 

Thứ hai, người lồng tiếng không được để lạc giọng khi khóc, để khán giả hiểu được mình đang nói gì. Thứ ba, trên màn ảnh nhân vật đã ngưng thì mình cũng phải ngưng. Ví dụ qua cảnh sau, nhân vật đó bật cười thì lúc đó, giọng nói của mình phải trong lại.

Đối với các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề lồng tiếng, chị có lời nào muốn nhắn nhủ không?

Tôi chỉ có thể khuyên các bạn suy nghĩ thật kĩ, nghề này không giống như sách vở. Các bạn phải thật sự đam mê mới học được. Và khi làm được rồi cũng đừng cho là mình giỏi quá. Bản thân tôi bây giờ sau khi lồng tiếng cũng nhờ kĩ thuật cho xem lại, để thấy mình có hợp với nhân vật hay không. Sau đó, tôi điều chỉnh lại để hợp với nhân vật, làm họ toát lên được vẻ đẹp, tâm tình và tính cách của mình. Ngoài ra, bạn còn phải khiêm tốn học hỏi để tiến xa hơn nữa.

Cám ơn những chia sẻ chân thành của chị Bích Ngọc.

Đón xem chương trình "Box thư giãn" phát sóng lúc 7g Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Băng Băng