Nỗ lực lưu giữ di sản nghệ thuật Lân Sư Rồng TP.HCM

PHAN NY - MINH TẤN - TRÚC QUỲNH - ANH KHUÊ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/4/2025, 08:04

(HTV) - Tháng 8/2024, UBND TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa ở TP.HCM vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đoàn Lân Sư Rồng Thắng Nghĩa Đường (Ảnh tư liệu năm 1984)

Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa tại TP.HCM vừa chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Sự kiện trọng đại này là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Hoa.

Đoàn Lân Sư tại Chùa Bà Thiên Hậu

Lễ công bố hai quyết định trên sẽ diễn ra vào sáng 30/3, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Lân Sư Rồng. Hai năm qua, ông Nguyễn Ngọc Tú - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM, đã trải qua không ít khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và hiện vật. Với tâm huyết và ý thức bảo tồn di sản văn hóa, ông đã thu thập gần 500 chữ ký từ 50 đoàn lân trên khắp thành phố.

"Cái khó là các đoàn lân đều trải qua những thăng trầm, có đoàn lưu giữ được hình ảnh, video, có đoàn thì không. Phải cố gắng để có đầy đủ chữ ký và cam kết thì hồ sơ công nhận di sản mới đúng quy trình và hoàn thiện được...", ông Tú chia sẻ.

Khẳng định giá trị nghệ thuật truyền thống

Lân Sư Rồng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Lân Sư Rồng không chỉ là một hình thức nghệ thuật trình diễn đặc trưng của người Hoa tại TP.HCM, mà còn mang ý nghĩa tâm linh và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần. Tuy nhiên, định kiến về việc biểu diễn Lân Sư Rồng là "kiếm tiền đường phố" đã phần nào làm lu mờ giá trị tốt đẹp của nghệ thuật này.

Việc Lân Sư Rồng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui lớn với anh Lương Chủ Tình - Người đã chứng kiến những thăng trầm của nghệ thuật này suốt 30 năm qua. "Được công nhận di sản là điều vui mừng lớn với người Hoa và anh em chúng tôi. Sự kiện lần này đã khẳng định giá trị của Nghệ thuật Lân Sư Rồng...", anh Tình bày tỏ.

Ông Lư Chấn Lợi - Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM, Trưởng Ban Quản trị Hội quán Tuệ Thành, nhấn mạnh: "Nghệ thuật Lân Sư Rồng không chỉ là di sản văn hóa, mà còn là kho tư liệu quý giá, gắn liền với quá trình di cư, định cư và phát triển của cộng đồng người Hoa tại TP.HCM. Nghiên cứu về sự lưu truyền, biến đổi và phát triển của nghệ thuật này cho thấy sự hòa hợp, hòa nhập của các dân tộc, đồng thời vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa Hoa, tạo nên sự đa dạng văn hóa trong khu vực...".

Vẽ trang trí trên đầu Rồng

Sự kiện công nhận Lân Sư Rồng là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia là một cột mốc quan trọng, tạo tiền đề để các cá nhân, tổ chức, đoàn thể cùng chung tay lan tỏa giá trị của bộ môn nghệ thuật lâu đời này.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: