Những ngôi Đình cổ ở TP.Hồ Chí Minh: Đình Phong Phú (Phần 2)

Giá trị nổi bật tại đình Phong Phú là các sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra liên tục tại đây trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Võ ca

Đình Phong Phú là điểm tựa, niềm tin, thôi thúc lòng yêu nước của bá tánh trong vùng tạo thành phong trào cách mạng. Dưới thời chống Mỹ, đình Phong Phú là trạm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng trong lòng địch. Dựa vào sự che chở của nhân dân và sự ủng hộ của ban Hội đình, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ẩn nấp nhiều ngày trong hầm bí mật của đình để hoạt động xây dựng phong trào cách mạng.

Hầm bí mật ở đình Phong Phú là sáng kiến của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bá vẫn còn được lưu giữ đến hôm nay. Căn hầm bí mật được đặt ngay dưới bàn thờ ở chánh điện. Đây cũng là điểm đặc biệt làm nên dấu ấn riêng cho đình Phong Phú.

Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, mỗi lần có địch phục kích đón bắt cán bộ, người dân lại đốt một ngọn đèn hoặc một bó nhang lớn nơi bàn thờ thiên ở cổng vườn làm hiệu cho cán bộ biết trốn vào trong lòng bàn thờ. Nếu nguy hiểm thật sự thì sẽ chui xuống hầm theo lối ngầm dẫn ra ngoài rừng. 

Một ngôi miếu trong đình

Những thùng “phước sương” trong đình cũng là nơi nhận tiền bạc đóng góp của dân làng cho cách mạng. Giặc biết, tìm cách niêm phong, giữ chìa khóa nhưng các cụ trong Hội đình xé niêm phong, phá ổ khóa lấy tiền đóng góp trong thùng gửi ra chiến khu cách mạng...

Nhiều cụ trong Hội đình vì ủng hộ, che chở cho cán bộ cách mạng, bị giặc tù đày, tra tấn dã man nhưng các cụ vẫn không khai, ra tù trở về các cụ lại tiếp tục ủng hộ cách mạng, kháng chiến chống Mỹ - Ngụy. 

Căn cứ vào những ghi chép còn sót lại và các lời kể của dân làng, đình Phong Phú được xây dựng vào khoảng cách nay ngót 150 năm về trước, khi những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đến đây khai hoang lập ấp. Số phận của đình cũng trải qua nhiều long đong gắn cùng lịch sử dân tộc và đất nước. 

Năm 1937, đình có lần trùng tu lớn, từ mái lá tranh tre được thay bằng ngói âm dương, tường xây gạch. Năm 1948, dân làng hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã kéo đổ đình, không cho giặc Phá làm nơi trú ngụ. Năm 1952 đình được khôi phục lại nhưng với quy mô nhỏ hẹp. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đình lại bị tàn phá nặng nề do bom đạn giặc Mỹ. 

Ngũ hành Thánh mẫu

Dù ngày nay đã được trùng tu, sửa chữa tạo vẻ uy nghi và rực rỡ hơn xưa song các chi tiết và cách bài trí theo phong cách tái cổ. Sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh chánh điện được xây dựng thêm một nhà truyền thống để trưng bài một số hình ảnh, tư liệu về quá trình tham gia cách mạng của hội đình và một số nhân vật địa phương có công với cách mạng.  

Cũng như các đình miền Nam, hầu hết hiện vật bày trí trong đình đều sử dụng hai màu vàng và đỏ. Theo quan niệm kinh dịch, màu vàng thuộc yếu tố hành Thổ tượng trưng cho đất nên  là màu quý nhất, kế là màu đỏ, xét theo ngũ hành, màu đỏ là màu chỉ sự sáng suốt.

Về nghi lễ thờ cúng thì đình vẫn thừa kế cung cách cúng kiếng, bày trí lễ vật, chọn ngày hành lễ hàng năm, những nghi thức được trân trọng giữ gìn, lòng tôn kính Thành Hoàng được tôn trọng mà không sa vào mê tính, dị đoan. Bài trí thờ cúng trong đình được sắp xếp có thứ tự, nề nếp và trở thành tập quán có chọn lọc theo tôn ti trật tự dẫn con người đến Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ, biết điều hay lẽ phải, tương thân tương ái.

Đình Phong Phú được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1993

Ngày lễ trọng đại trong năm là lễ Kỳ Yên, diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 11 âm lịch hàng năm. Lễ không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu quê hương, đất nước. Đây là dịp mà nhân dân địa phương và các nơi tụ về cúng viếng rất đông. 

Trong khuôn viên đình Phong Phú gần đây còn được xây thêm Đài tưởng niệm ghi công các liệt sĩ của phường hy sinh trong các thời kỳ chống quân xâm lược. Mỗi dịp lễ Kỳ yên, hay vào các ngày lễ trọng, chính quyền địa phương và bà con bá tánh gần xa lại về đây chiêm bái vong linh Thần hoàng cùng hương hồn các vị tiền bối cánh mạng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Đó là niềm tự hào của mọi người mà Hội đình Phong Phú biết vận dụng để nhắc nhở lớp đi sau "Uống nước nhớ nguồn", và đó cũng là một nét văn hóa biểu lộ sự đoàn kết thương yêu nhau tạo nên một tập quán tốt đẹp trong tinh thần đoàn kết dân tộc.

Cổng đình Phong Phú nhìn từ phía sân đình

Đình Phong Phú được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Là một trong những ngôi đình lớn, nổi tiếng trên địa bàn thành phố, mỗi năm đình Phong Phú đón hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan cúng tế. 

Với những đóng góp của hội đình cho công cuộc giải phóng dân tộc và việc bảo tồn nếp sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, đình phong Phú đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia từ năm 1993.

Văn Nguyễn