Sau ánh hào quang

Mạc Can "vô tình" làm nhà văn, Thiên Kim một đời đơn độc

21g tối nay, “Sau ánh hào quang” phát sóng số đặc biệt với sự xuất hiện của ba nghệ sĩ lão thành Mạc Can, Thiên Kim và Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung.


Nghệ sĩ Mạc Can thành nhà văn vì thương em gái

Mạc Can là nghệ sĩ gắn liền với hình ảnh mộc mạc, gần gũi và đa tài. Ông có thể "trị" tốt các vai điện ảnh, khóc cười rất đời trên sân khấu kịch, khiến người xem trầm trồ trước những màn ảo thuật hay thổn thức qua từng con chữ. Nghệ sĩ bảo rằng ngày xưa lúc sinh ông, mẹ ông "tức cười" khi nhìn thấy mặt con trai, chắc vì thế mà sứ mệnh đem lại niềm vui cho người khác đã được đặt để cho ông. Cậu bé Mạc Can lớn lên trên chiếc ghe hát của cha mẹ, từ việc mưu sinh bằng những vai hề của gánh hát rồi chuyển dần sang ảo thuật. Hàng đêm, gia đình Mạc Can sống trong tiếng nhạc, khói lửa với những màn trình diễn kịch tính. Bên cạnh niềm vui trên sân khấu, điều làm Mạc Can đau đáu khôn nguôi đó là cô em gái - người gồng mình cho trò phóng dao nguy hiểm. Mạc Can đã ôm nỗi đau ấy gần 40 năm để rồi tỏ bày trong tiểu thuyết đầu tay của mình: “Tấm ván phóng dao”.

Chính Mạc Can cũng không ngờ mình lại trở thành “nhà văn”. Nghệ sĩ cho biết ông viết hoàn toàn bản năng và tính “lì”. Từ 200 cuốn đầu tiên được in ấn, “Tấm ván phóng dao” được tái bản thành 2.000 cuốn.

Nghệ sĩ Thiên Kim – một đời đơn độc

Luôn nở nụ cười trên môi, nghệ sĩ Thiên Kim gắn liền với hình ảnh phúc hậu trên sóng truyền hình. Thế nhưng, cuộc đời của nữ nghệ sĩ lại mang nhiều nốt lặng. Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm gia đình, nhưng nghệ thuật đã sưởi ấm trái tim cô bé Thiên Kim. Nữ nghệ sĩ bắt đầu nghiệp diễn với những vai đào con và chính thức trở thành nghệ sĩ ở tuổi hoa niên cùng vở “Phụng Nghi Đình”.

Trong một lần diễn, sân khấu bị thiêu cháy vì bom đạn. Quá sợ hãi, Thiên Kim đã rời xa cải lương và chuyển sang tân nhạc, lồng tiếng phim từ năm 1955. Một mình nuôi mẹ, 5 con và 5 cháu, tuy nhiên “các con lại không thương cô” - nghệ sĩ Thiên Kim tâm sự. Gần 20 năm nay, bà sinh sống tại viện dưỡng lão nghệ sĩ do nghệ sĩ Phùng Há thành lập. Bà quan niệm, “nghề hát” không bạc bẽo, và “sống nhờ sân khấu xin cũng được chết trên sân khấu”.

Nhà giáo Ưu tú Mạnh Dung vẫn gọi vợ là “em” sau nửa thập kỷ bên nhau


Nghệ sĩ - Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung - năm nay 79 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình có cha là người gốc Hà Nội. Ngay từ bé, ông đã theo cha ngang dọc trên những toa tàu. Do đó, quê hương ông không nằm gọn trong một tỉnh thành mà là cả dải đất hình chữ S. Rong ruổi khắp Việt Nam, cậu bé Mạnh Dung vô tình yêu cả nét văn hóa, tinh hoa của nhiều vùng miền. Là người gốc Bắc nhưng nghệ sĩ Mạnh Dung lại nặng tình với nghệ thuật cải lương. Từ đây, ông chấp nhận gác lại sự nghiệp phim ảnh để học giọng Nam bộ, luyện tập cải lương và chính thức trở thành giảng viên ngành sân khấu từ năm 1984.

Tại “Sau ánh hào quang”, người bạn đời của nghệ sĩ Mạnh Dung - cô Thanh Dậu cũng xuất hiện. Từ chiếc nôi cải lương, tình yêu của cả hai nghệ sĩ đã được đơm hoa kết trái và bền chặt mãi cho đến tận bây giờ. Sau 60 năm, Nhà giáo ưu tú Mạnh Dung và cô Thanh Dậu vẫn gọi nhau trìu mến là “anh” và “em” như phút ban đầu.

“Sau ánh hào quang” phát sóng vào 21g tối nay (5/2) trên HTV7.

Nghi Đình