“Lệ Chi Viên” 2025: Trái đắng của quyền lực

MINH KHANG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 17/4/2025, 10:00

(HTV) - “Con người mang lẽ phải, có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi là thiên chức của con người” - Hoàng Hữu Đản - Tác giả kịch bản Bí mật vườn lệ chi.

Lẽ phải là những điều ngay thẳng, là đạo đức, là nhân tính nhưng bảo vệ lẽ phải đôi khi phải đổi bằng máu thậm chí là rất nhiều máu, nhưng ấy lại là thiên chức hết sức thiêng liêng, cao cả của và chỉ của riêng con người.

Nghĩa vụ thiêng liêng của con người là sống cho lẽ phải, sống vì lẽ phải và bảo vệ lẽ phải

Từ vụ án nổi tiếng thời Hậu Lê - Vụ án Lệ Chi Viên, cố nhà văn, dịch giả Hoàng Hữu Đản đã viết nên tác phẩm "Bí mật vườn lệ chi" vào những năm 60 của thế kỷ trước. Tác phẩm này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm sau này, trong đó không thể không kể đến bản dựng của Sân khấu kịch Idecaf. Vở kịch đã gây tiếng vang lớn trong giới mộ điệu kịch nghệ TP.HCM và cả nước.

Án oan lệ chi dẫn đến bi kịch của vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và ba họ nhà ông đã trở thành nguồn cảm hứng lớn với văn hóa nước nhà

Năm 2025, với mong muốn lần nữa mang tác phẩm đến với công chúng, đặc biệt là khán giả trẻ, Nhà hát kịch Idecaf đã dàn dựng lại tác phẩm từ kịch bản gốc với tên gọi mới - “Lệ Chi Viên! (Bí mật vườn lệ chi)”, dưới bàn tay đạo diễn kiêm biên tập của nghệ sĩ Quang Thảo. Anh cũng đảm nhận vai Nguyễn Trãi trong lần tái dựng này.

Bản dựng lần này lấy tên “Lệ Chi Viên!” (Bí mật vườn lệ chi) với sự dàn dựng của Đạo diễn Quang Thảo dựa trên kịch bản gốc của tác giả Hoàng Hữu Đản

Tác phẩm được dàn dựng trên tinh thần tôn trọng kịch bản gốc nhưng có sự chỉnh lý để gần gũi hơn với đối tượng khán giả mục tiêu. Vẫn là câu chuyện dã sử về án oan của Nguyễn Trãi khi bị khép vào tội đại phản nghịch - giết vua, dẫn đến tru di cả ba họ nhà ông. Bản dựng xoáy sâu vào những phạm trù đối nghịch nhưng lại cùng tồn tại, đó là thiện - ác, là con người - con thú, là quyền lực - nhân nghĩa và trên hết đó là câu hỏi “Thế nào là con người?”.

Ai là nạn nhân?

Lệ Chi Viên là một vụ án thậm chí có thể nói là thảm ác của dân tộc, nhưng trong kịch bản của tác giả Hoàng Hữu Đản có phải chỉ ông Ức Trai Nguyễn Trãi và bà Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ là nạn nhân?

Trước khi đi sâu vào câu hỏi này, cần nhắc đến hình tượng Nguyễn Trãi. Trong "Lệ Chi Viên", tác giả và đạo diễn đã xây dựng hình tượng Nguyễn Trãi dựa trên những di cảo thơ văn của ông, từ đó khắc họa một chân dung hiền từ, thấu tình đạt lý.

Vai diễn Nguyễn Trãi đầy thách thức để hiện bởi chính đạo diễn của bản dựng - Nghệ sĩ Quang Thảo

Nghệ sĩ Quang Thảo đã thể hiện thành công hình tượng một Gián nghị Đại phu chính trực, sẵn sàng đứng lên bảo vệ lẽ phải, dù đối mặt với cường quyền – kể cả khi người đó là thiên tử. Bởi lẽ phải là lẽ trời, thì con trời cũng phải thuận theo. Với vua là thế, còn với lũ gian thần, Quang Thảo đã thể hiện thần thái và khí phách trung thần: một mình giữa triều chính, hạch tội kẻ phản loạn, không nể nang cả vị Thái hậu nhiếp chính Nguyễn Thị Anh.

Dù là với ai, ông Ức Trai đều không ngần ngại trình tâu những điều ông cho là tốt cho nước, cho dân

Bên cạnh Nguyễn Trãi, màn hóa thân xuất sắc của nghệ sĩ Hoàng Trinh trong vai Nguyễn Thị Lộ cũng gây ấn tượng mạnh mẽ. Dù không phải lần đầu đảm nhận vai diễn này, Hoàng Trinh tiếp tục chứng minh bản lĩnh của một nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm trong một vai diễn đòi hỏi chiều sâu tâm lý.

Nghệ sĩ Hoàng Trinh trở lại với vai diễn đầy thử thách - Nguyễn Thị Lộ một lần nữa

Trong triều đình, Nguyễn Thị Lộ là một Lễ nghi Học sĩ chuẩn mực, không ngại can gián hoàng đế hay thần phi để bảo vệ những cung phi yếu thế.

Bà sẵn sàng đứng ra đối diện với cái xấu để bảo vệ cho lẽ phải

Trong phân cảnh tái hiện lần đầu gặp Nguyễn Trãi, Hoàng Trinh đã khắc họa rõ nét một người phụ nữ đoan trang, thông minh và tài trí, đúng như lời khen của Ức Trai: Người đẹp cả dung mạo lẫn tâm hồn.

Ngay từ lần gặp đầu tiên Nguyễn Thị Lộ đã để lại những ấn tượng khó phai với Nguyễn Trãi

Tình yêu giữa họ không chỉ là nghĩa phu thê mà còn là sự đồng điệu về trí tuệ và lý tưởng. Nguyễn Thị Lộ không chỉ tôn kính chồng như bạn đời mà còn như một bậc đại thần tài đức.

Tình cảm giữa hai người là sự cảm thông, thấu hiểu, kính trọng đối phương

Một nhân vật phức tạp về cảm xúc và nội tâm, nhưng bằng sự cảm nhận tinh tế và diễn xuất nhập vai, Hoàng Trinh hứa hẹn sẽ chiếm trọn cảm tình và sự thán phục của khán giả.

Nghệ sĩ Hoàng Trinh đã chứng tỏ được năng lực của bản thân ở một vai diễn đầy bi kịch

Trong lần dàn dựng mới, Đình Toàn trở lại với hai vai diễn: Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông. Dù không xuất hiện nhiều, anh vẫn khắc họa hình ảnh một vị vua trẻ – còn thiếu trải nghiệm chốn triều chính nhưng chất chứa khát vọng đổi thay, lấy dân làm gốc, lấy quốc gia làm trọng.

Đình Toàn cũng đã lưu dấu với vai diễn một vị vua tuy trẻ nhưng đầy khát vọng được vì nước, vì dân

Nhưng ở nơi quyền lực là con dao hai lưỡi, vị vua ấy – dù mang long bào, đội mệnh trời – cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch, trở thành nạn nhân trong một ván cờ quyền lực mà cái chết nơi Lệ Chi Viên là dấu chấm nghiệt ngã không thể tránh.

Đến ngay chính người ngồi trên ngai cao chín bệ cũng trở thành nạn nhân cuộc tranh đấu quyền lực

Cùng trong bản dựng này, Hồng Ánh hóa thân thành Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao – người sau trở thành Quang Thục Hoàng thái hậu. Nhân vật của nữ nghệ sĩ không rực rỡ, không dữ dội, nhưng lại để lại dư âm bằng vẻ bình thản, sâu sắc của một người phụ nữ hiểu thời thế, biết nghĩ cho đại cuộc. Một tiệp dư không chỉ là người của hậu cung mà còn là người gánh trên vai nỗi lo cho vận mệnh một triều đại đang nghiêng ngả.

Màn hóa thân của Hồng Ánh tuy không nhiều nhưng đã đủ để thuyết phục khán giả tin vào một cung phi trước trọng nghĩa quân thần, sau nặng tình phu thê

Ai là thủ phạm?

Ai là người gây ra thảm án Lệ Chi Viên? Trong vở diễn, chính lũ hoạn quan trong triều là bọn gây ra cái chết cho Thái Tông hoàng đế và vu oan cho vợ chồng Nguyễn Trãi, bởi chúng ganh ghét với đức độ của một bậc hiền tài, e sợ rằng với đức độ ấy như ánh sáng mặt trời làm cho lũ sâu mọt không còn đất sống.

Vì sợ hãi trước đức độ của một hiền tài như Nguyễn Trãi, nên chúng đã ra ám hại

Đây là nhóm người đại diện cho những thế lực thù địch nhưng không phải từ bên ngoài, mà ngay trong chính triều nội.

Những người này đại diện cho thế lực thù địch, không đến từ bên ngoài mà xuất phát từ chính bên trong triều đình

Thủ lĩnh của chúng - Tạ Thanh được thủ vai bởi NSUT Đại Nghĩa thật sự là một tên gian thần từ cung cách đi đứng, từ điệu cười tới giọng nói, dùng lời lẽ để mị hoặc chốn cung chương.

Tạ Thanh (Phải) được thủ vai bởi NSUT Đại Nghĩa

Trong “Lệ Chi Viên” anh đã khắc họa rất chân thật hình ảnh của tên hoạn quan, dù là kẻ ác nhưng vẫn thừa nhận điều thiện, nhưng có thiện thì không thể có ác và ngược lại, chính vì thế mà hắn buộc phải tiêu diệt cái thiện. Thế lực cầm đầu bởi Tạ Thanh - các hoạn quan có thể xem là nhóm phản diện chính của vở tức là “cái ác”. Cái ác ở Lệ Chi Viên không thua cuộc trước cái thiện, thậm chí còn đẩy được cái thiện vào đường cùng đến mức ba họ phải đổ máu. Tuy nhiên, như thế không đồng nghĩa rằng tác phẩm tôn vinh cái ác, cái xấu xa mà ngược lại sự tồn tại của cái ác đã trở thành một bệ đỡ tôn vinh cái thiện, cái lẽ phải, như lời thoại của nhân vật Tạ Thanh, những kẻ như hắn rồi sẽ chết đi, nhưng Nguyễn Trãi sẽ còn mãi, còn mãi với muôn dân trăm họ. Quả thật như lời Nhà văn Nguyễn Khải nhận định: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thuỷ chung”, điều thiện sẽ lại điều duy nhất còn tồn tại, cái ác dẫu cho có giành được lợi thế cũng chỉ trong khoảnh khắc nào đó, còn cái thiện sẽ có mãi muôn đời.

Dù căm ghét tới tột cùng cái thiện - Nguyễn Trãi, nhưng lũ người Tạ Thanh không thể phủ nhận tài năng và đức độ của ông

Lệ chi - Trái đắng của quyền lực

Lệ chi hay vải thiều là một loại trái cây ngọt đặc trưng ở vùng Đông Nam Á, nhưng lại thường được gắn một hương vị khác - vị đắng của quyền lực.

Khi xưa, tương truyền rằng để hài lòng Dương Quý Phi, Đường Huyền Tông đã phải dụng công rất nhiều để mang cho nàng thứ trái cây này, thể hiện ân sủng tuyệt đối dành cho nàng.

Ngay đầu vở diễn, một nhân vật quan trọng có thể xem là đầu mối cho mọi mâu thuẫn trong vở đã được so sánh với Dương Quý Phi không ai khác chính là Thần phi Nguyễn Thị Anh được lần nữa đảm nhận bởi một tên tuổi thuộc thế hệ vàng trong làng kịch nói khu vực phía nam - Nghệ sĩ Thanh Thủy.

Nghệ sĩ Thanh Thủy tiếp tục thủ vai Thần phi Nguyễn Thị Anh nhân vật được giới thiện rằng “hơn cả Dương Quý phi về sắc, tài, danh, phận”

Lần trở lại này của Thanh Thủy với Nguyễn Thị Anh có thể nói là vô cùng xuất sắc, bởi tuy chỉ trong một vai diễn, một số phận, một tính cách nhưng đã thể hiện được nhiều phạm trù đối lập nhau, đây chắc hẳn không phải chỉ là một diễn viên lành nghề, mà trên hết là một nghệ sĩ giàu vốn sống, giàu trải nghiệm với cả nghề và đời.

Thần phi Nguyễn Thị Anh là vai diễn đòi hỏi rất nhiều về bản lĩnh nghề nghiệp lẫn vốn sống ở người diễn viên

Ở độ tuổi dày dặn kinh nghiệm, Thanh Thủy hóa thân một cách hoàn hảo vào vai diễn. Nữ nghệ sĩ thể hiện một Nguyễn Thị Anh ích kỷ trong mưu toan để lo cho địa vị của con mình và chính bản thân. Tuy nhiên, “nhân chi sơ tánh bổn thiện”, điều gì đã đẩy một cô gái trẻ trở thành một Thần phi tàn nhẫn, là tội đồ thiên cổ, khi nhiều ghi chép đã suy đoán rằng bà là người đứng sau tất cả mọi chuyện ở Lệ Chi Viên? Không gì khác, chính là quyền lực và sự non nớt trong suy nghĩ. Trong vở, không ít lần những quyết định của Thần phi hay ngay cả khi đã là Thái hậu đưa ra bởi sự “tham mưu” của bọn hoạn quan, nịnh thần chứ không phải chỉ của riêng bà.

Suy cho cùng bà cũng là nạn nhân của lũ hoạn quan mưu toan quyền lực

Dù là Thần phi, hay cả khi đã là Thái hậu của một quốc gia, thì thực tế, bà cũng chỉ là một cô gái 20 tuổi chưa từng kinh qua việc triều chính, nhưng phải khoác lên mình “chiếc áo” của một Thái hậu nhiếp chính điều hành Đất nước trong thời điểm rất nhạy cảm vừa thù trong, vừa giặc ngoài. Và Thanh Thủy đã thể hiện một cách khó có ai vượt qua được trong nhân vật ấy. Từng sự thấp thỏm, từng ánh mắt, từng tiếng nấc thảng thốt, từng câu nói cả cái nhíu mày, sự nũng nịu với nhà vua đã làm cho khán giả thật sự tin và hơn hết là thấu hiểu cho nhân vật.

Một nhân vật vừa cố tỏ ra yếu đuối, lại cũng vừa phải “diễn” cho ra “vai tuồng” một thái hậu quyền uy ở tuổi mới 20 đã được Thanh Thủy thể hiện rất trọn vẹn trong xuyên suốt vở diễn

Cái hay của kịch bản ở chỗ đặt để quá nhiều phạm trù đối lập nhau chỉ trong một nhân vật. Một Thái hậu tôn quý nhưng suy nghĩ lại vô cùng non nớt, là kẻ thủ ác nhưng lại xót thương cho nạn nhân, là người ra lệnh tống giam nhưng lại ngưỡng mộ tài đức của một bậc công thần, là người nắm trong tay ngai vàng nhưng thực tế chẳng có quyền lực nào cho riêng mình, Thần phi Nguyễn Thị Anh là thủ phạm đứng sau tất cả, nhưng suy cho cùng lại là nạn nhân, nạn nhân của một thứ to lớn và nguy hiểm hơn hết - quyền lực. Quyền lực chính là cạm bẫy khi người sở hữu quyền lực thật ra lại đang bị chính quyền lực thao túng, bị đặt để đứng giữa nhân nghĩa, đạo đức và mưu mô tàn độc. Trong “Lệ Chi viên!” quyền lực là một phép thử mà tác giả và đạo diễn đã đặt ra đừng phân biệt giữa thiện - ác, giữa phần “người” và phần “con”, giữa anh hùng và tội nhân thiên cổ.

Khoác lên mình trang phục của một thái hậu nhưng đến cùng bà cũng chỉ là nạn nhân của Quyền lực

Vấn đề đặt ra xoay quanh hai tiếng “quyền lực” – dù đã từ mấy mươi năm về trước – nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Nay, chủ đề ấy được thổi vào hơi thở mới của thời đại, dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Quang Thảo, và một lần nữa được nêu bật lên trong bối cảnh mới. Ắt hẳn rằng, nếu nhân vật và ý đồ này không được thể hiện bởi một tên tuổi lớn – một cây đa, cây đề của làng kịch nói như Thanh Thủy – thì sẽ khó lòng trọn vẹn.

Sẽ rất đáng tiếc nếu Nguyễn Thị Anh không được thể hiện bởi một tên tuổi như Thanh Thủy

Có lẽ, dù đứng trên sân khấu thêm bao nhiêu lần nữa trong nhân dạng của một Thần phi, một Thái hậu Nguyễn Thị Anh, thì Thanh Thủy vẫn sẽ tạo nên một dấu ấn – thậm chí là một khoảnh ký ức khó quên – với bất cứ người nào ngồi ở hàng ghế khán giả. Nữ nghệ sĩ xứng đáng được nhìn nhận, được công nhận không chỉ là một kịch sĩ, mà còn có thể xem như một “quái kiệt” của thoại kịch Nam Bộ.

Khó có mỹ từ nào đủ để lột tả hết tài năng của Thanh Thủy

Lần dàn dựng mới này còn đặc biệt gây ấn tượng trong việc đầu tư vào bối cảnh, phục trang của Nhà hát khi đã may mới toàn bộ sao cho sát nhất với những ghi chép về trang phục thời Hậu Lê. Cũng như âm nhạc được viết mới để cho diễn xuất và tư tưởng của tác phẩm được tỏa sáng.

Trang phục được may đo - thiết kế sao cho gần nhất với các ghi chép xưa là một điểm nhấn trong vở diễn

Vở diễn đã thể hiện được khát vọng của Nhà hát trong việc làm ra những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cả về nội dung, hình thức lẫn những giá trị mang lại cho khán giả, mà nhất là đối tượng khán giả trẻ - để từ đó thể hiện góp phần tạo ra những nhân cách đẹp đó cũng là thiên chức cao nhất của nghệ thuật, từ nhận thức cuộc sống, đến giáo dục người xem rồi từ đó làm đẹp thêm cho cuộc sống.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: