Khơi nguồn sáng tạo của người dân thành phố mang tên Bác

Nhìn lại lịch sử hơn ba thế kỷ hình thành, phát triển, nhất là trong những năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, có thể thấy rằng, Sài Gòn xưa – TP.Hồ Chí Minh ngày nay, luôn là nơi tạo ra những sự đột phá sáng tạo, vươn lên tầm cao mới...

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP.HCM, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM thông tin về các công trình đạt giải

Chỉ sau hơn 5 tháng phát động, đã có 111 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng Sáng tạo TP.Hồ Chí Minh, và hội đồng tuyển chọn giải thưởng cấp Thành phố đã xem xét, đánh giá tính khả thi và hiệu quả, từ đó chọn lựa 44 công trình thuộc 7 lĩnh vực để trao giải thưởng vào tối 6/6/2019 vừa qua. Đây là những công trình có giá trị của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp cho sự phát triển thành phố. Qua lần tổng kết, trao giải đợt đầu, Giải thưởng Sáng tạo TP.Hồ Chí Minh bước đầu đã ghi nhận nhiều thành công trong công tác tổ chức, gây ấn tượng mạnh với các tiêu chí mang tính ứng dụng vào thực tiễn.

Nhìn lại lịch sử hơn ba thế kỷ hình thành, phát triển, nhất là từ sau ngày thống nhất non sông và trong những năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, có thể thấy rằng, Sài Gòn xưa – TP.Hồ Chí Minh ngày nay, luôn là nơi tạo ra những sự đột phá sáng tạo để khắc phục khó khăn, vươn lên tầm cao mới. Đổi mới, sáng tạo đã trở thành một nét truyền thống nổi bật của con người nơi đây. 

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu trong lễ công bố giải thưởng Sáng tạo TP.Hồ Chí Minh

Như chúng ta đều biết, Sài Gòn – Gia Định là điểm quyết chiến chiến lược cuối cùng của 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi chiến trường ngưng tiếng súng, quá khứ để lại nơi đây những hậu quả nặng nề về nhiều mặt. Trong bối cảnh ấy, với chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của Thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”, TP.Hồ Chí Minh đã “vượt lên chính mình”, nỗ lực phấn đấu “bước ra khỏi vòng phấn do ta khoanh, thoát ra khỏi cảnh kèm tù binh của chúng ta”, mạnh dạn “phá rào”, thực hiện “cởi trói” về cơ chế để giúp sản xuất “bung ra”, cải tiến lĩnh vực liên thông, phân phối mở rộng thị trường. 

Và “thực tiễn là ông thầy nghiệm chính xác, người phán xét cuối cùng”, tất cả là vì lợi ích của người lao động, vì cuộc sống của người dân, những chủ trương này không chỉ giúp thành phố vượt ra khỏi cơ chế cũ, bảo thủ, vượt ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng của đất nước trước 1985, mà còn tác động tích cực, có hiệu quả đến sự hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, Thành phố đã phát huy được trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân, đã tạo ra những mốc son, nhiều mô hình mới, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động để hình thành đường lối đổi mới và thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho đất nước. 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng trao giải Nhì cho công trình Chương trình Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên HTV9 (Ảnh: Long Hồ)

Trong suốt những năm đổi mới, nhiều chương trình, mô hình thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh đã được nhân rộng cả nước, như việc thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên (Ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank), việc triển khai chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh - REE là một trong những doanh nghiệp được cổ phần hóa đầu tiên ngay từ năm 1991). Khu chế xuất Tân Thuận cũng là khu công nghiệp đầu tiên được thành lập tại Việt Nam vào năm 1991. Việc thành lập Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, sau này là Sở giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh, đã khai trương cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động. 

Từ thuở đi khai hoang lập ấp cách đây hơn ba thế kỷ cho đến hôm nay, người dân Sài Gòn – Gia Định – TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng nên những giá trị tinh thần mang tính đặc trưng như tinh thần nhân ái, nghĩa tình, năng động, sáng tạo… Trong thời đại mới, tinh thần ấy không ngừng được phát huy, TP.Hồ Chí Minh là nơi khởi xướng và thực hiện hiệu quả nhiều phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương”, “Chương trình xóa đói giảm nghèo”, “Bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “Nụ cười cho trẻ thơ, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng”… 

Những phong trào này sau đó lan tỏa ra cả nước, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, mang tính nhân văn cao, có sức lan tỏa mạnh, thể hiện sinh động bản chất chế độ xã hội mới của chúng ta. Về hội nhập quốc tế, với vai trò đầu tàu, là động lực, có sức hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.Hồ Chí Minh đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong việc định hướng phát triển kinh tế, hội nhập với thế giới. 

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan trao giải Ba cho công trình Ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” trong việc tiếp nhận, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị  (Ảnh: Long Hồ)

Nhiều năm trở lại đây, nhằm khẳng định vai trò, vị thế của mình, TP.Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ, xây dựng một Thành phố công nghiệp có cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp hiện đại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Thực tiễn quá trình xây dựng và trưởng thành của Thành phố cho thấy, dù gặp phải biết bao khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ và sự năng động, sáng tạo của mình, TP.Hồ Chí Minh luôn vượt qua để khẳng định vai trò và xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân TP.Hồ Chí Minh vẫn luôn khẳng khái, khí phách, cần cù, sáng tạo đậm chất Nam Bộ. Thực tiễn đã chứng minh, nhiều cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành ít nhiều đều đúc kết từ thực tiễn TP.Hồ Chí Minh; chính đổi mới sáng tạo đã giúp Thành phố giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế dù diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước nhưng đóng góp 24% GDP và 28% thu ngân sách.

Xuất phát từ thực tế đó, từ tháng 12/2018, TP.Hồ Chí Minh đã phát động Giải thưởng Sáng tạo, tạo động lực để khơi dậy, phát huy truyền thống sáng tạo của thành phố, tạo ra sự bứt phá mới để cùng hội nhập với thế giới trong thời đại công nghiệp 4.0.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt trao giải Nhất công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương” (Ảnh: Long Hồ)

44 công trình được trao giải thưởng lần thứ nhất trong số 111 công trình tham gia chứng tỏ giải thưởng đã thu hút được sự quan tâm của người dân đối với sự nghiệp phát triển của Thành phố. Đây là tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của người dân đối với Thành phố, luôn dõi theo từng bước chuyển mình của TP.Hồ Chí Minh và sẵn sàng tham gia đóng góp để thành phố ngày càng phát triển bền vững. 

Phát biểu tại buổi lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn lực lớn nhất mà TP.Hồ Chí Minh có được có thể phát huy hiệu quả cao hơn nhiều cho phát triển thành phố, đó là con người thành phố với 10 triệu dân; trong đó hơn 4,5 triệu lao động, đây là tài nguyên lớn nhất, phát huy hiệu quả cao, đem lại đóng góp to lớn cho thành phố. Lực lượng lao động TP.Hồ Chí Minh có gần 30% có trình độ đại học và cao đẳng, lao động của Thành phố hiện nay cũng chính là kết tinh của sự phát triển thành phố trong hơn 300 năm qua, trong 30 năm đổi mới gắn với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. 

Chính vì vậy, đối với TP.Hồ Chí Minh, sáng tạo đã trở thành một hoạt động cấp bách trong giai đoạn hiện nay. “Sắp tới thành phố tham khảo kinh nghiện của các quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản Hàn Quốc, Đức... để làm sao mối quan hệ giữa ba bên là Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học ngày càng hiệu quả hơn, tiềm năng sáng tạo của mỗi người được phát huy cao nhất. Lãng phí tiềm năng sáng tạo là có lỗi với nhân dân, với Đảng”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. 

Văn Nguyễn