Đằng sau các trang “anti-fan” trên mạng là gì?

Chỉ mất vài phút, người dùng có thể tạo ra một group hoặc một page trên mạng xã hội Facebook. Bên cạnh những nhóm hoặc trang được dùng vào những mục đích tốt đẹp cho xã hội, trên mạng luôn có nhiều trang, nhóm được lập ra để cùng… ghét một người nào đó!

Những hình thức trang (page), hoặc nhóm (group) trên mạng được lập ra nhằm công kích một người - thường là người nổi tiếng - được gọi chung là các trang anti-fan. Tình trạng xuất hiện tràn lan các nhóm anti-fan trên mạng thời gian qua không còn dừng lại ở chuyện yêu ghét, đóng góp, phê bình nữa, mà có lúc quá đà, thậm chí, có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật.

Các ngôi sao trong giới Showbiz là đối tượng mục tiêu của các group anti-fan trên mạng vì nhiều mục đích

Ghét là lên mạng chửi

Đến nay, một bộ phận không nhỏ người sử dụng mạng xã hội dù không dùng nick ảo vẫn có cảm tưởng mình đang sinh hoạt trong một vỏ bọc an toàn với một đám đông và không cần chịu trách nhiệm những gì mình đang hành xử trên không gian này. Chính vì thế, những người tạo ra các trang “anti-fan” dễ lôi kéo số đông vào tham gia bình luận, chia sẻ thông tin trong các diễn đàn ấy. Chưa bao giờ mà việc bêu xấu một ai đó và kêu gọi mọi người khác cùng bêu xấu lại bầy đàn dễ dàng như lúc này, bất chấp các quy định của pháp luật về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác cũng như những quy phạm đạo đức xã hội.

Đối tượng bị “chửi” trên các diễn đàn dạng anti-fan phổ biến là những ngôi sao trong giới nghệ thuật biểu diễn: ca sĩ, diễn viên, người mẫu, hoa hậu, người dẫn chương trình… Cá biệt cũng có doanh nhân, CEO, nhà văn, nhà báo, cầu thủ (và người yêu của cầu thủ).

Nhiều trang anti-fan như thế thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn lượt người theo dõi. Các thông điệp chính trong những trang này là tung ra các hình ảnh, video, và những tư liệu (thường không rõ nguồn gốc và thiếu chứng cứ) để “bóc phốt”, để nói xấu; có khi họ cũng dùng ảnh chế để miệt thị “đối tượng mục tiêu”. Khi thái độ ghét của đám đông đến cao trào, các trang anti-fan này thường tung ra các nội dung yêu cầu tẩy chay những nhãn hàng, thương hiệu mà “đối tượng mục tiêu” ấy là người đại diện. Hình thức thể hiện trong những trang anti-fan như thế phổ biến là dùng những lời lẽ thô thiển, chửi tục, mắng mỏ, móc méo đối tượng.

Khó có thể lý giải vì sao đám đông lại hùa theo những chủ trang anti-fan này để chửi bới đối tượng mục tiêu như thế. Có người nói là vì “ghét cái thái độ”. Có người nói cụ thể hơn là do thấy chướng mắt khi đối tượng mục tiêu xuất hiện quá nhiều trên truyền thông. Thậm chí có người đưa ra lý do hết sức vô lý rằng “ghét vì thấy cách ăn mặc xấu quá” hoặc đơn giản “không thích thì ghét thôi”.

Chỉ cần search từ khóa “Anti” trên facebook hay trên google là có thể thấy hàng trăm trang hoặc nhóm dạng này

Đâu là mục đích thực chất của các trang “anti-fan”? 

Số đông tham gia trên các trang anti-fan tưởng như chỉ hoạt động tích cực cho bỏ ghét ấy đa phần rơi vào cái bẫy của những kẻ thao túng đằng sau (vốn là người đứng ra tạo trang): Đẩy họ đến chỗ kêu gào hạ bệ uy tín đối tượng mục tiêu, kêu gào tẩy chay các nhãn hàng thương hiệu đang hợp tác với đối tượng mục tiêu nhằm triệt tiêu nguồn thu nhập của họ! 

Tất nhiên, con số thành viên các trang này nhìn qua khá đông nhưng có một tỷ lệ không nhỏ tham gia vì tò mò, tham gia như những quan sát viên hoặc tham gia để làm “tai mắt” cho đối tượng mục tiêu, hoặc là người các đơn vị xử lý khủng hoảng truyền thông… nên thường không bày tỏ thái độ gì trước những nội dung hoạt động trong các trang này.

Cũng có người tham gia bình luận hùa theo các bài viết nói xấu, bóc phốt… hoặc chia sẻ nhiệt tình video, ảnh chế của nhân vật đang bị ghét để thành tài khoản “thân thiện” trong nhóm nhằm mục đích bán hàng, giới thiệu hàng online ở phần bình luận. 

Mục tiêu của các nhóm, các trang anti-fan này thường rất đa dạng. Có người tạo ra để thu hút đám đông, sau khi câu chuyện nói xấu đối tượng mục tiêu “hết trend” thì biến trang, nhóm ấy thành kênh bán hàng, kênh đăng bài giới thiệu sản phẩm có thu tiền. Với một số nhóm, lượng thành viên lên đến hơn trăm ngàn người, muốn đăng bài giới thiệu sản phẩm, phải trả một mức phí nào đó thì quản trị nhóm mới duyệt bài.

Thậm chí, những người đứng đằng sau các trang, các nhóm anti-fan có khi là người làm ở các công ty truyền thông. Họ nhận tiền để nói xấu nghệ sĩ, doanh nhân bằng cách làm truyền thông bẩn, nhưng họ lại tiếp tục nhận tiền của nạn nhân để “giải quyết” khủng hoảng truyền thông!

Ca sĩ Thủy Tiên là nhân vật thành tâm điểm của dư luận trong thời gian vừa qua khi đứng ra kêu gọi và tổ chức cứu trợ cho đồng bào miền Trung. Việc làm từ thiện của chị và chồng là cầu thủ nổi tiếng Công Vinh cũng bị một số người phê phán và kêu gọi tẩy chay các thương hiệu mà chị đại diện thông qua một trang anti-fan. Trong hình là fanpage chính thức của ca sĩ Thủy Tiên.

Có xử lý được không?
Trong đời sống truyền thông dân chủ, việc các diễn đàn nêu những chuyện còn bất cập của người nổi tiếng như thái độ, lời nói, hành vi, ứng xử… để giúp họ hoàn thiện là chuyện tốt. Nhưng đồng loạt lập các trang, các nhóm “anti-fan” với những động cơ kinh tế, hạ bệ, bôi xấu người nổi tiếng sẽ là chuyện cực kỳ bất bình thường.

Có điều, những người tạo ra các diễn đàn này cũng biết nhiều cách “lách” nhằm tránh cơ quan quản lý. Ví dụ họ không bao giờ dùng tên thật hay nghệ danh chính thức mà tự đặt ra “biệt danh” cho đối tượng mục tiêu ví dụ như "nữ hoàng đạo lý", "nhà văn X", "anh tối", "chị Dậm"… Họ cũng đánh lừa “thuật toán” của facebook khi gõ các từ tiếng Việt nhạy cảm thường kèm với các dấu chấm giữa con chữ. 

Tất nhiên, với cơ quan điều tra thì chuyện chứng minh tính chất sai phạm ấy không phải là quá khó. Và cũng xin được nhắc lại, Nghị định 15/2020 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/4 đã quy định rõ ràng hơn về việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội. Theo đó, người cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.

Theo Điều 592 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, mức phạt tối đa đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để xúc phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở áp dụng ở thời điểm hiện tại là 1,49 triệu đồng nên mức phạt tối đa là 14,9 triệu đồng.

Tóm lại, yêu ghét là quyền tự do của mỗi người. Nhưng, ranh giới của cảm xúc yêu ghét với việc vi phạm pháp luật nếu tham gia (bằng hành động “like”, bình luận, chia sẻ, kêu gọi tẩy chay…) rất mong manh. Hãy thận trọng khi tham gia các trang anti-fan!

Phú Trang