Infographic: Top 5 phim về thời chiến Việt Nam

HỒNG PHÚC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/2/2024, 11:54

(HTV) - Dưới đây là top 5 bộ phim có chủ đề liên quan đến thời kỳ kháng chiến ở Việt Nam, mang lại cho khán giả cảm xúc của thời đại xưa cũ.

Chiến tranh Việt Nam luôn là một hồi ức đau thương đối với dân tộc Việt, nhưng cũng là một khúc ca hào hùng về tinh thần chống giặc của ông cha. Ngoài những sách vở, trang sử ghi chép về những hồi ký chiến tranh đầy khắc nghiệt, cũng có những thước phim điện ảnh khai thác đề tài chiến tranh theo một hướng đầy nghệ thuật nhưng vẫn đủ sự tôn kính đối với công lao của ông cha. Không kỹ xảo cầu kỹ sặc sỡ, không có những bản OST đình đám, phục trang cũng chẳng quá chi tiết, nhưng những thước phim dưới đây sẽ cho khán giả trải nghiệm về một thời chiến đầy đau thương và tự hào.

1. Đào, phở và piano (Đạo diễn Phi Tiến Sơn - 2023)

Bộ phim tái hiện lại không khí trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 trong trận chiến bảo vệ Thủ đô.

Những ngày đầy khỏi lửa và bom đạn ấy, ta vẫn thấy được cốt cách và lối sống của người Hà Nội xưa được khắc hoạ rõ nét trong từng câu chuyện. Mối tình của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thuỳ Linh), người hoạ sĩ già với ước mơ vẽ một bức tranh để đời, vợ chồng người bán phở trong hoàn cảnh nguy nan vẫn mong làm được một bát phở đúng vị. Tất cả những thứ khắc khoải nhất về một Hà Nội xưa cũ đều được khắc hoạ rõ nét trong Đào, phở và piano.

2. Những người viết huyền thoại (Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng  - 2013)

Những người viết huyền thoại (tiếng Anh: The Legend Makers) là một bộ phim hành động - chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, công chiếu vào năm 2013. Với bối cảnh là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thời 1960, cốt truyện của bộ phim là công cuộc xây dựng đường ống xăng dầu chạy từ biên giới phía Bắc đến miền Đông Nam Bộ của đoàn 556 dưới sự chỉ huy của nhân vật tướng Dinh (NSƯT Hoàng Hải thủ vai) dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện.

Điểm nổi bật của bộ phim là những cảnh quay thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ, những câu mối quan hệ đồng chí đầy lãng mạn, cảm động và tinh thần quả cảm của những người lính. Bộ phim cho ta thấy được những khó khăn của những người lính gùi xăng khi phải xuyên qua những cánh rừng nhiệt đới phủ đầy mìn lá, đối chọi với những hoả lực của kẻ địch, với thời tiết khắc nghiệt, những mùa khô và mùa mưa dai dẳng.

3. Mùi cỏ cháy (Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười - 2012)

Mùi cỏ cháy là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội, chiến tranh, được viết dựa trên quyển nhật kỹ Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là bốn sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hy sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa.

Phim đã được trao 4 giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, âm nhạc xuất sắc (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), biên kịch xuất sắc (Hoàng Nhuận Cầm) và quay phim xuất sắc nhất (Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thanh Hà) tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng năm 2011. Bộ phim được Cục Điện ảnh chọn chiếu khai mạc đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn tháng 4-5/2012 và tiếp tục công chiếu trong tuần phim kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7/1947 - 27/7/2012.

4. Đừng đốt (Đạo diễn Đặng Nhật Minh - 2009)

Đừng Đốt (Don't Burn) là một tác phẩm điện ảnh chính kịch lịch sử sản xuất vào năm 2009, được đạo diễn và viết kịch bản bởi Đặng Nhật Minh. Phim dựa trên nhật ký nổi tiếng của nữ bác sĩ và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, mang đến sức thu hút mạnh mẽ khi ra mắt công chúng. Tác phẩm sâu sắc khám phá tận cùng đời sống nội tâm, chân thật hóa vẻ đẹp tâm hồn và lòng trắc ẩn của nữ bác sĩ quân y Đặng Thùy Trâm (do diễn viên Minh Hương thể hiện), đồng thời làm nổi bật vẻ đẹp tinh thần và tinh thần chiến đấu của thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, tác phẩm còn là biểu tượng của lòng bao dung của nhân dân Việt Nam, chứng minh rằng tình yêu thương có thể làm dịu đi những vết thương của lịch sử. Đừng Đốt không chỉ là một bức tranh chân thực và dễ thương, mà còn là biểu tượng mạnh mẽ của tình hòa nhã và sức mạnh của dân tộc

5. Áo lụa Hà Đông (Đạo diễn Lưu Huỳnh - 2006)

Áo lụa Hà Đông (tựa tiếng Anh: The White Silk Dress) là một bộ phim chiến tranh - tâm lý - tình cảm Việt Nam dài 135 phút của đạo diễn Lưu Huỳnh thực hiện, công chiếu vào năm 2006. Bộ phim đã giành giải Cánh diều vàng 2006 hạng mục "Phim truyện nhựa xuất sắc nhất".

Câu chuyện của bộ phim nói về gia đình của anh Gù và chị Dằn trong thời kỳ người nông dân nổi dậy lật đổ chính quyền. Gia đình anh chị phải sống trong cảnh khổ cực, khó khăn, phai bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống, mưu sinh. Tài sản quý nhất chính là chiếc áo trắng và áo cưới anh Gù tặng vợ. Những tưởng rồi bao nhiêu công sức sẽ được hồi đáp bằng một cái kết hạnh phúc, thì chiến tranh lại đến và lấy đi những người thân trong gia đình. Để rồi khi đất nước đã hoà bình thì chỉ còn lại là một nỗi đau đầy dĩ vãng và khắc khoải.

Những bộ phim nói trên sẽ là một mảng ký ức lịch sử đầy đau thương nhưng đầy tự hào về một thời bom đạn, đói nghèo và mất đi độc lập, cũng như là một chiến tích hào hùng về việc giữ nước, chống giặc ngoại xâm mà ông cha ta đã gầy dựng, xứng đáng là những tác phẩm giá trị lưu giữ cho những thế hệ sau.

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: