(HTV) - Dòng vốn đầu tư từ các quỹ và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang trở thành động lực quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững, hướng tới phát triển kinh tế theo chiều sâu và dài hạn.
Dòng vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng GDP bền vững
Việc thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đang trở thành động lực quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong thời gian tới. Đây là nội dung được các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi tại Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" do Bộ Tài chính tổ chức tại TP.HCM.
Hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam"
Thị trường vốn Việt Nam và xu hướng tăng trưởng
Theo Bộ Tài chính, thị trường vốn Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong thu hút nguồn lực đầu tư. Năm 2024, tổng mức vốn huy động đạt gần 930 ngàn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm 2023, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, trong khi dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP. Nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng.
Việc mở rộng các loại quỹ đầu tư như quỹ chỉ số, quỹ ESG và quỹ hạ tầng đang giúp nâng cao sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế, đồng thời tạo động lực cho sự tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán.
Nhận định từ các chuyên gia về phát triển quỹ đầu tư
Ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi tư duy đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Ông cho rằng, thay vì đầu tư trực tiếp và bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường hàng ngày, nhà đầu tư nên lựa chọn các quỹ đầu tư chuyên nghiệp để đảm bảo dòng vốn dài hạn và ổn định. Bên cạnh đó, các quỹ hưu trí cũng cần được đẩy mạnh để tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường.
Ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tài chính. Theo ông, cần có chính sách thuế hỗ trợ để khuyến khích người dân đầu tư vào các chứng chỉ quỹ, từ đó giúp họ tích lũy tài sản trung và dài hạn. Hiện nay, chỉ 0,5% dân số tham gia vào thị trường, cho thấy còn nhiều dư địa để phát triển.
Định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
Cùng với dòng vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước, đánh dấu mức cao nhất từ trước đến nay. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho rằng việc nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường là yếu tố cốt lõi để giữ chân các quỹ đầu tư nước ngoài. Chính phủ đang xem xét đề xuất cho phép các doanh nghiệp FDI niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhằm nâng cao tính minh bạch và thu hút thêm dòng vốn ngoại.
Triển vọng phát triển kinh tế bền vững
Ông Nitin Kapoor - Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), đánh giá Việt Nam là điểm đến an toàn và giàu tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế. Ông đề xuất Việt Nam cần có chiến lược dài hạn trong sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nước ngoài. Đồng thời, việc khuyến khích phát triển kinh tế xanh và sản xuất có trách nhiệm với xã hội sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nitin Kapoor - Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF)
Với những đề xuất và giải pháp từ các chuyên gia, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội XIV của Đảng, đồng thời tham mưu xây dựng cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển kinh tế bền vững trong kỷ nguyên mới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9