Đình Tân An Hội - nét cổ kính nơi đất thép thành đồng

Kim Quyên 13/3/2023, 16:08

Được xây dựng cách đây hơn 100 năm với nhiều họa tiết, hoa văn độc đáo, đình Xóm Huế (ấp Xóm Huế, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) là nơi sinh hoạt, thực hiện các nghi lễ dân gian thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Xã Tân An Hội ngày nay thuộc huyện Củ Chi. Thuở xa xưa, khi đường sá giao thông còn trắc trở, những người lưu dân vào Thủ phủ Phiên An, nếu ngược về hướng Tây, phải mất một ngày đường mới đến được Tân An Hội. Sở dĩ đình Tân An Hội có tên là Xóm Huế, bởi đây là nơi mà rất nhiều người Huế đi di cư đến để lập nghiệp, đình tọa lạc ngay trên địa danh Xóm Huế - một cái xóm của người Huế, sau này trở thành ấp.


Từ ngoài vào là nhà tiền điện, có 3 bàn thờ xây bằng xi-măng ngang hàng nhau: bàn nằm giữa là bàn Chánh hiến, hai bên là bàn Đông hiến và Tây hiến. Theo sự phân công xưa nay, trong Lễ Kỳ Yên, bàn Chánh hiến do nhân dân ấp Xóm Chùa và ấp Chợ lo việc trưng bày vật cúng và phụ trách Chánh bái. Bàn bên trái do nhân dân ấp Xóm Huế phụ trách và kiêm Bồi bái. Bàn bên phải do nhân dân ấp Mũi Lớn phụ trách, kiêm Bồi bái.

Bên trong bàn Chánh hiến là bàn thờ Công đồng, có đặt một khung kiếng có 4 chữ Nho: "Sơn Hà Xã Tắc". Bìa sau bàn thờ là bản gỗ khắc chữ "Thần".


Ngang bàn Công đồng sát hai bên vách tường, phía trái là bàn thờ chiến sĩ với hàng chữ Nho trong khung kiến: "Vị Quốc Vong Thân - Anh Hùng - Liệt Sĩ". Bên phải là bàn thờ mẹ Việt Nam Anh hùng, kèm hàng chữ: "Anh Hùng - Bất Khuất - Trung Hậu - Đảm Đang".


Mỗi năm tại đình diễn ra một lễ lớn được xem là ngày hội của hầu hết nhân dân các ấp thuộc xã Tân An Hội, đó là Lễ Kỳ Yên. Cũng như Lễ Kỳ Yên của nhiều ngôi đình khác ở vùng đất Nam bộ, đây là lễ cúng bái các thần để cầu mong cho sự an lành, cho mùa màng bội thu của nhân dân trong vùng. Lễ Kỳ Yên được tiến hành trong 3 ngày: Rằm, 16 và 17 tháng Hai Âm lịch.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Ý kiến của bạn: