Chiều 5/4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tiếp tục tiến hành thảo luận về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu để tránh bị lợi dụng
Về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đáng chú ý, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) góp ý về tổ chức đấu thầu trước. ĐB nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn… phát sinh nhiều tiêu cực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quy định không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật.
Về chỉ định thầu, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết nhất là trong những trường hợp đặc biệt để đảm bảo các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn, do vậy cần quy định cụ thể về nội dung này. ĐB cũng thống nhất với quy định về đấu thầu dự án, nhưng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn đảm bảo khách quan, công bằng cho các nhà đầu tư, tránh hình thức. Ngoài ra, quy định về tổ thẩm định giá, chuyên gia thẩm định giá có vai trò rất quan trọng, ĐB đề xuất quy định rõ tiêu chí, quy định rõ trách nhiệm rõ ràng, cụ thể đối với những trường hợp này.
ĐB Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) cũng đề nghị cân nhắc kỹ quy định về chỉ định thầu để tránh bị lợi dụng. ĐB cho rằng, gói thầu về mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia là gói thầu đặc biệt, có thể phải chỉ định thầu trong suốt quá trình. Tuy nhiên gói thầu về khắc phục sự cố thiên tai hoặc bất khả kháng thì chỉ cần trong một thời gian ngắn, do vậy, để đảm bảo chặt chẽ, dự thảo luật cần quy định tách ra để tránh việc bị lợi dụng khi chỉ định thầu.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng cho rằng, cần khuyến khích áp dụng đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thực tiễn doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện đấu thầu hiệu quả. Do đó các doanh nghiệp có vốn nhà nước càng phải minh bạch khi sử dụng tiền, tài sản của nhà nước, nhân dân, vì vậy phải quy định theo hướng cố gắng vận dụng đấu thầu.
Tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu
Cũng trong chiều 5/4, hội nghị thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này nêu rõ, sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban thống nhất với cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng.
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, dự thảo luật quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự thảo cũng bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi)
Thảo luận về nội dung này, đáng chú ý, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá, quy định này cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định về nền tảng số cần thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Đồng thời quy định về thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Về các hành vi bị cấm được quy định trong dự thảo luật, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, các quy định như dự thảo chưa bao quát đầy đủ các hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây. Do vậy, ĐB đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đầy đủ các hành vi này.
Giải trình lại ý kiến các ĐB, liên quan đến bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ đây là vấn đề rất quan trọng. Bên cạnh các thông tin về nhân thân còn có các thông tin như quá trình giao dịch, các hành vi mua bán cũng là những thông tin quan trọng có thể bảo vệ, bởi pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, đối với những thông tin này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập hoặc các bên thứ ba được ủy quyền khi sử dụng, thu thập thông tin của người tiêu dùng đều phải có sự đồng ý và thỏa thuận của người tiêu dùng. Kể cả qua các giao dịch truyền thống cũng như ứng dụng nền tảng số đều…
Cuối giờ chiều 5/4, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tiến hành thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà báo cáo một số vấn đề lớn về Dự án Luật Giá (sửa đổi) cho biết, về bình ổn giá, tiếp thu ý kiến đa số, Thường trực Ủy ban cho rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể nội dung bình ổn giá trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”; việc thực hiện quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Mặt khác, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành và dự thảo luật cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, Ủy ban TCNS của Quốc hội đề nghị cho giữ như quy định của luật hiện hành.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì: Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở… Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.
Về định giá, Thường trực Ủy ban TCNS đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền, cơ sở pháp lý của văn bản định giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm khả thi, minh bạch, bảo vệ những người làm công tác định giá.
Một số ý kiến đề nghị không quy định giá trần đối với dịch vụ tại cảng biển và dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa; một số ý kiến và Bộ Giao thông vận tải đề nghị cần quy định giá trần đối với các dịch vụ này. Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, đây là vấn đề lớn, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống người dân, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động cụ thể trong trường hợp bỏ giá trần theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để có căn cứ cho Quốc hội xem xét, quyết định. Ủy ban TCNS cũng đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến về nội dung này và xin ý kiến các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 5…
Ngày mai, 6/4, hội nghị tiếp tục thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi).
Nguồn: hcmcpv.org.vn
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9