Dấu chân người lính

“Làm người cốt không phải để được sống lâu mà cốt để được sống có ích. Lao động là vinh quang và cũng là hạnh phút lớn nhất của cuộc đời. Phải sống hết sức mình cho Tổ quốc mến yêu để không bao giờ phải hổ thẹn...”

Ông Trương Nam Sơn 

Đó là phương châm sống của thương binh Trương Nam Sơn và cũng là thông điệp mà đạo diễn Nguyễn Việt Bình muốn gửi đến với khán giả qua bộ phim tài liệu này.

Ra đi từ mùa Thu tháng Tám năm 1945 khi ở tuổi 15, ông Trương Nam Sơn trở thành cán bộ trẻ của Tiểu đoàn 303 Việt Minh anh hùng. Năm 20 tuổi, ông bị thương nặng (thương binh 1/4). Câu chuyện của phi công Xô Viết (Valixiep) bị thương mất cả hai chân nhưng vẫn làm nên những chiến thắng lịch sử chống phát xít Đức đã trở thành thần tượng của ông, đã giúp ông đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình của người lính. 

Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Tập kết ra Bắc, trong hai thập niên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, hầu hết các công trình kinh tế, kỹ thuật đầu tiên ở miền Bắc phục vụ dân sinh, quốc phòng... thương binh Trương Nam Sơn đều góp sức tham gia. 

Ông là công trình sư lắp máy của nhiều công trình kinh tế lớn như: Nhà máy dệt Nam Định, Nhiệt điện Hàm Rồng, Phả Lại, Uông Bí, nhà máy phân đạm Hà Bắc, tháp sóng truyền hình Tam Đảo trên đỉnh núi cao 1.200m, trụ điện cao thế vượt sông Hồng, đóng tàu “Không số” đường Hồ Chí Minh trên biển và là người dựng cờ vĩ tuyến bên sông Bến Hải suốt 20 năm... 

Ngày hòa bình, ông về Nam tiếp tục đóng góp nhiều công trình lớn như: phục hồi vận hành nhà máy Kiên Lương – Kiên Giang và xây dựng Trường Cao đẳng nghề Lilama – Đồng Nai, một trong những trường nghề uy tín ở Việt Nam, cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho khu vực tam giác kinh tế miền Đông.

Đài tưởng niệm Khát vọng Thống nhất

Đường đời nhiều phong ba. Tinh hoa ở ông không nhiều phẩm hàm chức sắc, biết bỏ cái hư danh, để sống cùng nhân thế. Hơn ai hết, ông thấm thía với bao đau thương mất mát từ trong chiến tranh và hiểu ngày về chiến thắng. Vì lẽ đó, mà lúc nào và ở đâu ông cũng đầy ắp nghĩa tình đồng đội, đồng nghiệp. 

Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, chăm sóc, an ủi những người bạn, động viên lớp cháu con sống có ích cho đời. 

Đón xem bộ phim tài liệu Dấu chân người lính gồm 2 tập, phát sóng lúc 15g ngày 15 - 16/7 trên Kênh HTV9 để hiểu hơn về chân dung người thương binh già Trương Nam Sơn.

Thùy Trang