Chi phí cao, thiếu hỗ trợ – Hành trình gian nan đưa đặc sản vùng miền vào thị trường lớn

NGỌC QUÍ - THIỆN TÙNG - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/5/2025, 06:10

(HTV) – Dù đã đạt chứng nhận OCOP, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn loay hoay tìm đầu ra do vướng chi phí, thiếu truyền thông và chưa thể tiếp cận hệ thống siêu thị. Khi thị trường chưa rộng mở, đầu ra vẫn là bài toán nan giải.

Những chiếc áo thun của Công ty thời trang Suntex

Một chiếc áo thun mang chứng nhận OCOP của Công ty Thời trang Suntex hiện có giá bán lẻ 165.000 đồng. Tuy nhiên, nếu cộng thêm chi phí quảng bá, truyền thông hoặc chi phí qua kênh trung gian, giá thành có thể tăng gấp đôi điều khiến doanh nghiệp lựa chọn hình thức tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua truyền miệng thay vì đầu tư quảng cáo.

Ông Vũ Hồng Anh - Giám đốc công ty thời trang Suntex

Ông Vũ Hồng Anh – Giám đốc Công ty Thời trang Suntex chia sẻ: “Các doanh nghiệp gần như bế tắc trong việc truyền thông. Khi đưa sản phẩm lên các kênh lớn thì chi phí quảng bá rất cao, khiến giá đội lên. Vì vậy, điều mong muốn lớn nhất là được hỗ trợ về thông tin, truyền thông, giúp sản phẩm được biết đến rộng rãi hơn”.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã sản xuất sạch cũng chia sẻ mong muốn có thêm các cơ hội kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Mai Văn Khánh - Giám đốc Hợp tác Xã Rau sạch GAP

Ông Mai Văn Khánh – Giám đốc Hợp tác Xã Rau sạch GAP chia sẻ về những mong muốn để các sản phẩm đạt chứng OCOP có được đầu ra trong thị trường: “Thông qua các hội chợ, triển lãm hay chương trình kết nối cung cầu, chúng tôi có thể tìm được đầu ra hiệu quả hơn. Mong rằng thành phố có nhiều hơn những sân chơi như vậy để kết nối các chủ thể OCOP trong và ngoài nước”.

Một gian hàng tại điểm trưng bày sản phẩm COOP ở Hóc Môn

Không chỉ cần nơi tiêu thụ, việc hiện diện tại các không gian có nhiều lượt tiếp cận như sân bay, trung tâm hành chính cũng được đề xuất để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng – đặc biệt là du khách quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Huyện Hóc Môn

Ông Nguyễn Ngọc Luận – Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP Huyện Hóc Môn, TP.HCM đề xuất: “TP.HCM có thể tổ chức các không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các điểm công cộng như trung tâm hành chính, sân bay... Qua đó, sản phẩm đặc trưng của địa phương không chỉ tiếp cận người dân mà còn quảng bá với du khách đến Việt Nam”.

Theo ông Luận, nếu như trước đây OCOP là một phần trong mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thì nay chương trình đã trở thành hướng đi phát triển kinh tế bền vững cho các vùng nông thôn. Do đó, việc hỗ trợ không nên dừng lại ở công nhận tiêu chuẩn sản phẩm mà cần xuyên suốt từ sản xuất đến phân phối.

Việc đạt được chứng nhận OCOP đã là một thách thức đối với các chủ thể kinh tế nhỏ lẻ, vốn hạn chế về kinh nghiệm và nguồn lực. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn nằm ở khâu tiêu thụ sản phẩm. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ toàn diện từ sản xuất đến phân phối, thay vì chỉ tập trung vào khuyến khích đạt chuẩn OCOP.

 

Ý kiến của bạn: