Cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ

HOÀNG HƯƠNG - TIẾN DŨNG // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV HÀ NỘI 1/11/2023, 21:26

(HTV) - Ngày 01/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Các Đại biểu đánh giá cao Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt các chính sách này đã giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi, phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế. Do đó cần tiếp tục thực hiện đồng bộ hai chính sách này nhất là trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Các đại biểu cho rằng còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm. Do vậy, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, chính sách giảm 2% thuế VAT đã có những kết quả tích cực, tuy nhiên để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc gia hạn chính sách này theo hướng áp dụng giảm thuế VAT với tất cả các mặt hàng là cần thiết.

"Hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành cùng Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần phải có giải pháp để quản lý chung cư mini. Theo đại biểu, thực trạng quy định của pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo, trong đó dù có điều khoản mô tả về loại hình nhà ở này, nhưng không rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý, thậm chí định danh cũng không thực sự rõ ràng. Trong khi đó, cả xã hội gọi sản phẩm này là chung cư mini - một thuật ngữ không có trong luật. Điều này dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân. 

Tại phiên thảo luận, các vấn đề liên quan đến tháo gỡ cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được các đại biểu quan tâm góp ý.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: