Vùng bán khô hạn Jequitinhonha thuộc bang Minas Gerais của Brazil. Vốn từ lâu có biệt danh là "thung lũng đau khổ", nay vùng đất này được ví như một El Dorado (thành phố vàng) mới, nhờ lượng lithium dồi dào.
Lithium được xem như một thứ "vàng trắng", rất cần thiết cho việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là pin cho xe hơi điện. Brazil là nước sản xuất lithium lớn thứ năm trên thế giới. Trong đó, khoảng 85% trữ lượng của Brazil nằm trong Jequitinhonha.
Sigma Lithium - công ty Canada thành lập năm 2012, dẫn đầu trong việc khai thác lithium. Với mục tiêu cung cấp đủ khoáng sản cho pin của hơn 600.000 xe điện trong năm đầu tiên và gấp ba lần khi sản xuất đạt tốc độ lý tưởng, công ty này không ngần ngại đưa ra khái niệm "Lithium xanh".
Ông Reinaldo Brandao - kỹ sư khai thác tại Sigma Lithium nói rằng: "Trong nhà máy chế biến quặng, 90% nước sau đó được tái sử dụng và không sử dụng hóa chất".
Tuy nhiên, việc khai thác lithium cũng để lại hậu quả đối với môi trường. Quá trình xử lý quặng này cần một lượng nước khổng lồ, trong khi trữ lượng nước chủ yếu được lấy từ các vùng đang bị hạn hán hoành hành. Mặt khác, việc khai thác này cũng làm đảo lộn cuộc sống người dân trong khu vực.

Jequitinhonha nhìn từ trên cao - Hình: Reuters
Bà Aline Gomes - thành viên của phong trào những người bị ảnh hưởng bởi khai mác mỏ, phàn nàn: "Đó là một vùng nông thôn yên tĩnh, và giờ đây thường trực là những tiến ồn ào. Tường nhà bị nứt vì những vụ nổ".
"Có người đã đi rồi, còn những hộ chưa bán đất cho công ty thì do ô nhiễm buộc họ phải bỏ đi. Hiện tại mỏ còn cách xa khu dân cư nhưng bụi đã bay mù mịt. Tưởng tượng xem việc khai thác mỏ diễn ra cạnh nơi mình sinh sống?", nông dân tên Luiz Gonzaga bày tỏ.
Elaine Santos, một nhà nghiên cứu tại Đại học Sao Paulo (USP), cũng chỉ trích thực tế việc khai thác lithium ở Brazil hầu như chỉ dành cho xuất khẩu nguyên liệu thô với giá trị gia tăng thấp. Trong khi Châu Âu và Mỹ đang phát triển các chiến lược trên toàn bộ chuỗi, từ khai thác đến sản xuất ô tô điện.
Hoạt động khai thác lithium ở nước này có từ những năm 1920, nhưng điều đó đã thay đổi sau một sắc lệnh ban hành vào tháng 7 năm 2022, năm cuối cùng đương nhiệm của cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro. Nghị định khiến thị trường này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là bằng cách dỡ bỏ các hạn chế đối với việc xuất khẩu loại khoáng sản này.
Và một đặc phái viên của chính phủ từ người kế nhiệm cánh tả của ông, Luiz Inacio Lula da Silva, đang ở New York tích cực hỗ trợ khởi động chiến dịch vận động cho một "Thung lũng Lithium" .
Tuy nhiên, tại Chile - nhà sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới - người đồng cấp Gabriel Boric gần đây đã công bố các biện pháp tăng cường kiểm soát của nhà nước đối với việc khai thác loại khoáng sản này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9