VƯỜN ÂM NHẠC TRUNG THU

Âm nhạc là ánh trăng kết nối tình thân

“Vườn âm nhạc tháng 10” trên sóng HTV (phát sóng lúc 20g45, ngày 30/9 trên HTV9) sẽ đem đến một chương trình ca múa nhạc kịch đầy màu sắc, rộn ràng và nhiều ý nghĩa như một món quà tặng cho các bạn nhỏ nhân mùa Trung thu đoàn viên này.


"Vườn âm nhạc" Tết Trung thu rộn ràng

Cứ đến rằm tháng 8 âm lịch, mùa thu về là trẻ thơ lại náo nức về một ngày lễ hội tươi vui - ấm áp: Ngày hội Trung thu. Và không có gì thích thú hơn được cùng nhau hát ca, nhảy múa trong ngày lễ đón chú Cuội, chị Hằng. 

“Hôm nay là Tết Trung thu/ Lòng vui như hội em đi rước đèn/ Đèn cá chép, đèn ông sao/ Muôn màu muôn vẻ lung linh phố phường/ Em cùng chúng bạn đi chơi/ Tay cầm đèn sáng, miệng thì hát vang/ Múa ca cho hết đêm rằm/ Tươi vui chào đón chị Hằng xuống chơi”.

Ai cũng có quyền được cùng nhau vui chơi

Điều này được khẳng định qua nội dung câu chuyện đáng yêu và không kém phần hài hước mà “Vườn âm nhạc” mùa Trung thu xây dựng nên. Từ các bạn nhỏ hiền lành như Chu An - Thiên Khôi (tên hai nhân vật nhỏ trong câu chuyện), đến Thỏ Ngọc điệu đà xinh đẹp (bạn của chị Hằng), hay chú Cuội ngồi gốc cây đa và cả Tiểu Lâm Vương mang danh lẫy lừng sau này sẽ lên cai trị Vương quốc Rừng già đều thích chơi Trung thu. 

Chỉ khi tai nghe, mắt thấy tình cảnh và cảm xúc của mọi người thì Chu An và Thiên Khôi mới nhận ra thần tiên cũng như Chúa tể rừng già tương lai đều có nhu cầu kết bạn, đoàn viên như bao bạn nhỏ bình thường khác. 


Không hề chia ranh giới giữa người trần và thần tiên cũng như yêu tinh, thú dữ

Câu chuyện được kết nối vui vẻ, nhịp nhàng đúng với không khí ngày hội của các bạn nhỏ. Nhưng sâu trong câu chuyện đôi khi vẫn ẩn chứa những cảm xúc sâu lắng. Khi Tiểu Lâm Vương bày tỏ: "Mình cũng muốn như bao bạn nhỏ khác được vui chơi, mình không thích làm Tiểu Lâm Vương vì làm cho ta không được tự do, tối ngày phải đi canh giữ hết khu rừng này đến khu rừng khác".

Câu chuyện “Vườn âm nhạc” xây dựng trở nên ấm áp khi các bạn nhỏ đã đón nhận Tiểu Lâm Vương, còn có ý muốn giúp Tiểu Lâm Vương trốn đi hay khuyên nhủ cậu như chính họ đã từ lâu thân thiết. 

Chú Cuội xuất hiện đem đến sự kết nối mọi trẻ thơ, giúp các em có được một Trung thu đủ đầy. Hơn thế nữa, Cuội còn biết chế ngự các nhân vật “dữ dằn” của rừng già như: vua Hổ, Chồn, Cáo. 

Thêm một bài học được rút ra sau những xung đột dưới ánh trăng rằm là đừng vội đánh giá ai có bề ngoài dữ tợn bởi thẳm sâu họ vẫn luôn có một tâm hồn trong sáng, hiền lành, muốn có cuộc sống bình yên ở lãnh địa của mình...

Một Trung thu chắc chắn sẽ có ý nghĩa hơn nhiều khi mọi người cùng nghĩ về nhau, không hề chia ranh giới giữa người trần và thần tiên cũng như yêu tinh, thú dữ. Có lẽ, ánh trăng đã hóa giải để các bạn được sống trong hòa bình lẫn yêu thương. Và đó cũng là thông điệp của câu chuyện cổ tích về chú Cuội, Hằng Nga xa xưa đã được “Vườn âm nhạc” biến đổi thành câu chuyện thiếu nhi vui Trung thu hiện đại mà ý nghĩa.


Có lẽ, ánh trăng đã hóa giải để các bạn được sống trong hòa bình lẫn yêu thương

Âm nhạc là ánh trăng rằm tươi vui và ấm áp

Những bài ca điệu múa trong chương trình "Vườn âm nhạc  - Tết Trung thu" đều là những tác phẩm văn nghệ chọn lọc của các em thiếu nhi. Sân khấu “Vườn âm nhạc” đầy màu sắc, lung linh được các cô chú dày công gây dựng đã thổi một làn gió mùa thu nhẹ nhàng và tinh khiết cho đêm trung thu thêm huyền ảo.

Lời bài hát “Rước đèn tháng tám” của nhạc sĩ Vân Thanh được “đội quân” Si Si biểu diễn hồn nhiên và thân thuộc: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn Thiên Nga với đèn bướm bướm. Em rước đèn này đến cung trăng”.

Cũng chính lời ca này dẫn trẻ thơ vào câu chuyện của Thỏ Ngọc, của Chu An -Thiên Khôi, của Tiểu Lâm Vương, của Cuội, Hổ, Chồn, Cáo và gắn kết các nhân vật bằng tình thân cao đẹp. 


Hãy hòa mình cùng các bạn của Green Art Music Acadamy nhảy múa với “Rock vầng trăng” (nhạc sĩ: Nguyễn Thanh Tùng, biên đạo Quang Huy) khi sân khấu màn hình nhỏ cháy rực sắc màu và âm thanh rộn rã. Chị Hằng được ưu ái khi một loạt tiết mục khác về trăng góp mặt trong chương trình như: “Tuổi của trăng” ( sáng tác: Trịnh Vĩnh Thành) , “Gọi trăng là gì” (sáng tác: Thập Nhất), “Vầng trăng cổ tích” (sáng tác: Phạm Đăng Khương), “Trăng sáng” (nhạc sĩ Nguyễn Tiến Nghĩa, thơ Trần Đăng Khoa). 

Các đội nhóm như Si Si, Green Art Music, HKP, TD Kids cùng ca hát nhảy múa ca ngợi chị Hằng vui tươi, sinh động và rất chuyên nghiệp.Chương trình “Vườn âm nhạc” mùa Trung thu trở thành vầng trăng sáng tặng các em nhỏ khắp mọi miền đất nước. 


Như hiểu được tâm tư, tình cảm của các bạn nhỏ, trăng từ lâu đã trở thành người bạn của tuổi thơ, vì tuổi thơ luôn cần sự gần gũi và gắn kết. Đó sự sẻ chia ngọt ngào của trăng cũng như sự sẻ chia của các nhân vật trong câu chuyện “Vườn âm nhạc” kỳ này hay chính là sự sẻ chia ấm áp của tất cả các khán giả nhí đang theo dõi chương trình. 

“Có người gọi ông trăng. Bạn em lại nói chị Hằng. Riêng em em thích trăng rằm trăng rằm sáng trong. Mẹ ơi trăng tròn đẹp quá. Trăng treo ngọn khế trong vườn. Trăng len lỏi khắp mọi nhà, trăng lặn cùng cá dưới ao. Mẹ ơi trăng tròn đẹp quá. Con nít kêu trăng là gì. Con muốn gọi trăng là bạn, bạn trăng của tuổi thơ”. (Gọi trăng là gì- tác giả: Thập Nhất).
Bài: Nhân Tâm. Ảnh: Thủy Tiên